Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com
  1. Góp vốn là gì? Vốn điều lệ và tài sản góp vốn là gì?

Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của Công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã thành lập.

Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần.

Phần vốn góp là tổng giá trị thành sản của một thành viên đã góp hoặc cam kết góp vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh. Tỷ lệ phần vốn góp là tỷ lệ giữa phần vốn góp của một thành viên và vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.

Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền khác theo quy định của luật Sở hữu trí tuệ. Lưu ý: chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp của quyền tác giả, quyền liên quan nói tên mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn.

Hình ảnh có liên quan

  1. Quy định về việc góp vốn theo quy định của pháp luật hiện hành có khác gì trước đây?

Luật Doanh nghiệp 2014 có nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp 2005 trước đây, nổi bật là quy định về thời hạn góp vốn điều lệ.

Thay vì việc quy định thời điểm góp vốn khác nhau cho mỗi loại hình doanh nghiệp, thì tại Luật Doanh nghiệp 2014, việc góp vốn đã được quy định thống nhất đều là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Cụ thể, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên được quy định tại khoản 2 điều 48; đối với công ty TNHH một thành viên được quy định tại khoản 2 điều 74 và công ty cổ phần là khoản 1 điều 112.

Việc quy định thống nhất này, giúp xóa bỏ đi sự phân biệt trong việc góp vốn và tạo ra môi trường bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp.

  1. Không góp đủ phần vốn đã đăng ký sẽ bị xử lý như thế nào?

Trong công ty TNHH hai thành viên trở lên, khi đã hết thời hạn là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp mà thành viên chưa góp hoặc không góp đủ phần vốn như đã cam kết góp thì sẽ bị xử lý như sau:

– Đối với thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;

– Đối với thành viên chưa góp đủ phần vốn như đã cam kết thì chỉ có các quyền tương ứng với phần vốn đã góp;

Trong công ty cổ phần, thì các cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác; đối với cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán, không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.

Và chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ.

  1. Mức hình phạt cho việc không góp đủ vốn

Khi chủ sở hữu công ty, cổ đông công ty không góp đủ vốn thì công ty bắt buộc phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ cổ phần bằng đúng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn (tức sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp) và Công ty TNHH hai thành viên trở lên là 60 ngày.

Kể từ thời điểm phải thay đổi vốn điều lệ mà doanh nghiệp không tiến hành thực hiện công việc này, thì mức phạt tiền có thể lên đến 20.000.000 VNĐ.

  1. Làm thế nào để chứng minh đã góp vốn vào công ty?

Theo quy định, công ty phải lập và lưu giữ sổ đăng ký thành viên, Công ty cổ phần phải lập và lưu giữ sổ đăng ký cổ đông ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Các tài liệu này thể hiện rõ tỷ lệ góp vốn, cổ phần, loại tài sản góp vốn … do vậy, các loại sổ này cùng với giấy chứng nhận vốn góp, cổ phiếu là tài liệu pháp lý quan trọng để xác định hoạt động góp vốn trên thực tế của thành viên công ty.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com.Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./