Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

1. Căn cứ pháp lý

  • Luật Đầu tư năm 2020;
  • Luật an toàn thực phẩm năm 2018;
  • Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm;
  • Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 03 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 1 năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

2. Điều kiện kinh doanh sản xuất nước tinh khiết

Đối với cơ sở vật chất tiến hành sản xuất

  • Đối với cơ sở nhập khẩu phải có kho hoặc khu vực bảo quản riêng phù hợp yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất;
  • Việc kinh doanh thực phẩm chức năng trong cơ sở bán lẻ thuốc phải bố trí có khu bày bán riêng, chỉ dẫn khu vực và biển tên đối với thực phẩm chức năng;
  • Có đủ diện tích để bố trí các khu vực bày bán thực phẩm, khu vực chứa đựng, bảo quản và thuận tiện để vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm;
  • Không bị ngập nước, đọng nước;
  • Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng và các nguồn ô nhiễm khác;
  • Kết cấu cơ sở kinh doanh phù hợp với tính chất, quy mô; xây dựng bằng vật liệu bảo đảm vệ sinh, an toàn;
  • Tường, trần nhà nhẵn, sáng màu, làm bằng vật liệu bền, chắc, không bị dột, thấm nước, không rạn nứt, rêu mốc, đọng nước và dính bám các chất bẩn;
  • Khu vực vệ sinh phải được bố trí ngăn cách với khu vực kinh doanh thực phẩm; cửa nhà vệ sinh không được mở thông vào khu vực bảo quản thực phẩm;
  • Có hệ thống sổ sách hoặc phần mềm quản lý thực phẩm trong suốt quá trình kinh doanh;
  • Trang thiết bị, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm phải được thiết kế chế tạo bảo đảm an toàn; được làm bằng vật liệu không gây ô nhiễm thực phẩm; phù hợp với yêu cầu công nghệ sản xuất, dễ làm sạch, khử trùng, bảo dưỡng. Đối với trang thiết bị, dụng cụ sản xuất cơ động phải bền, dễ di chuyển, tháo lắp và dễ làm vệ sinh;
  • Có đủ thiết bị phục vụ kinh doanh, bảo quản và kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm phù hợp theo yêu cầu của nhà sản xuất; có quy định về quy trình, chế độ vệ sinh đối với cơ sở;
  • Có đủ dụng cụ thu gom chất thải, rác thải, có nắp đậy và được vệ sinh thường xuyên.

Đối với chất lượng sản phẩm

  • Các loại nắp chai và chai nhựa chứa đựng nước khoáng thiên nhiên có dung tích dưới 10 lít không được sử dụng lại; bình nhựa có dung tích từ 10 lít trở lên và chai thủy tinh có thể được sử dụng lại;
  • Chai, bình sử dụng lần đầu hay sử dụng lại đều phải được làm sạch, diệt khuẩn, xúc rửa kỹ trước công đoạn rót chai, trừ trường hợp chai, bình sử dụng lần đầu được sản xuất theo công nghệ khép kín có diệt khuẩn;
  • Nguồn nước khoáng thiên nhiên được bảo đảm vệ sinh tránh bất kỳ sự ô nhiễm nào hoặc yếu tố ngoại lai ảnh hưởng đến chất lượng an toàn của nguồn nước;
  • Việc đóng chai phải thực hiện ngay tại nguồn nước hoặc được dẫn trực tiếp từ nguồn tới nơi xử lý, đóng chai bằng một hệ thống đường ống kín, liên tục, bảo đảm các quy định vệ sinh nghiêm ngặt trong suốt quá trình khai thác. Bảo đảm sản phẩm nước tinh khiết đóng chai phù hợp với các quy định về chỉ tiêu an toàn thực phẩm và các yêu cầu quản lý tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước tinh khiết;
  • Cơ sở sản xuất nước tinh khiết phải có bộ phận giám sát kiểm soát vệ sinh chai bình, chất lượng nước; có đủ hồ sơ lưu trữ kết quả xét nghiệm nước nguồn và nước thành phẩm theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước tinh khiết.

3. Đăng ký thành lập doanh nghiệp sản xuất nước tinh khiết

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, trong đó có đăng ký ngành nghề sản xuất nước tinh khiết.

Thành phần hồ sơ

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên;
  • Bản sao các giấy tờ sau đây: Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  • Giấy ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu đại diện pháp luật không đi nộp hồ sơ).

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên và nộp đủ hồ sơ tại cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền (Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh).

Bước 2: Cơ quan đăng ký tiếp nhận hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Bước 3: Xem xét tính hợp lệ hồ sơ đăng ký và cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu từ chối cấp Giấy thì thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung.

4. Xin Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư

Thành phần hồ sơ

Hồ sơ đề nghị cấp Quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại khoản 1, Điều 33, Luật Đầu tư 2020:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
  • Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
  • Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
  • Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
  • Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
  • Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
  • Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Nhà đầu tư nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm những nội dung quy định trên cho cơ quan đăng ký đầu tư.

Trường hợp dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, nhà đầu tư nộp Hồ sơ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư của một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư, đặt hoặc dự kiến đặt văn phòng điều hành để đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Đối với dự án đầu tư đã triển khai hoạt động, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo theo quy định trên, trong đó đề xuất dự án đầu tư được thay bằng báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư từ thời điểm triển khai đến thời điểm đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ khi dự án đáp ứng các điều kiện sau:

  • Không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại Điều 6 của Luật Đầu tư và điều ước quốc tế về đầu tư;
  • Có địa điểm thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở bản sao hợp lệ giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc bản sao hợp lệ thỏa thuận thuê địa điểm hoặc văn bản, tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
  • Dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch theo quy định tại khoản 7 Điều 31 Nghị định này;
  • Đáp ứng điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương và được Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua (nếu có), số lượng lao động sử dụng (nếu có);
  • Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bước 3: Trả kết quả

Cơ quan đăng ký đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện;

Trong trường hợp, hồ sơ hoặc nhà đầu tư không đáp ứng đầy đủ các điều kiện, thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

5. Xin cấp phép khai thác tài nguyên nước

Thành phần hồ sơ

Căn cứ quy định tại Điều 16 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước. Nhà đầu tư căn cứ vào quy mô đầu tư của mình để xác định có thuộc diện phải đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước hay không. Hồ sơ xin cấp phép khai thác tài nguyên nước bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp giấy phép;
  • Sơ đồ khu vực và vị trí công trình khai thác nước dưới đất;
  • Báo cáo kết quả thăm dò đánh giá trữ lượng nước dưới đất kèm theo phương án khai thác đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên hoặc báo cáo kết quả thi công giếng khai thác đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm trong trường hợp chưa có công trình khai thác; báo cáo hiện trạng khai thác đối với trường hợp công trình khai thác nước dưới đất đang hoạt động;
  • Kết quả phân tích chất lượng nguồn nước không quá sáu tháng tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
  • Trường hợp chưa có công trình khai thác nước dưới đất, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải nộp trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp 02 bộ hồ sơ và nộp phí thẩm định hồ sơ theo quy định của pháp luật cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép còn phải nộp thêm 01 bộ hồ sơ cho Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương dự định đặt công trình.

Bước 2: Giải quyết hồ sơ

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định;

Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.

Bước 3: Thẩm định đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trong hồ sơ đề nghị cấp phép

Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án, báo cáo; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án, báo cáo.

Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép;

Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, báo cáo thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện đề án, báo cáo.

Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án, báo cáo không tính vào thời gian thẩm định đề án, báo cáo. Thời gian thẩm định sau khi đề án, báo cáo được bổ sung hoàn chỉnh là 20 ngày làm việc;

Trường hợp phải lập lại đề án, báo cáo, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án, báo cáo chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.

Bước 4: Trả kết quả

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để thực hiện nghĩa vụ tài chính và nhận giấy phép.

6. Xin Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Thành phần hồ sơ

Thực hiện theo quy định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế với hồ sơ bao gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
  • Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
  • Giấy xác nhận đủ sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp;
  • Giấy xác nhận đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Bước 2: Nộp hồ sơ

Doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm kinh doanh quán trà sữa tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Khi hồ sơ đã hợp lệ, cơ quan tổ chức đoàn thẩm định cơ sở. Kết quả thẩm định cơ sở ghi vào Biên bản thẩm định cơ sở. Sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ và Biên bản cho Chi cục Trưởng hoặc Cục trưởng cấp Giấy chứng nhận An toàn vệ sinh thực phẩm;

Trường hợp kết quả thẩm định không đạt, trong biên bản thẩm định phải ghi rõ thời hạn thẩm định lại (tối đa là 03 tháng), nếu kết quả thẩm định lại vẫn không đạt thì đoàn thẩm định lập biên bản và đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động của cơ sở. Để làm giấy phép kinh doanh, bạn trực tiếp mang hồ sơ lên Uỷ ban nhân dân Quận/Huyện.

Bước 4: Trả kết quả cho doanh nghiệp

Sau khi hồ sơ hợp lệ, Chi cục hoặc Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trả Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn vệ sinh thực phẩm cho Tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh.

Dịch vụ Luật Hồng Bàng cung cấp

  • Tư vấn các quy định pháp luật liên quan đến giấy phép sản xuất nước tinh khiết;
  • Soạn thảo tất cả các tài liệu cần thiết cho việc đăng ký giấy phép sản xuất nước tinh khiết;
  • Thay mặt khách hàng tiến hành mọi thủ tục pháp lý cần thiết tại cơ quan cấp phép cho đến khi được cấp giấy phép sản xuất nước tinh khiết;
  • Nhận số tiếp nhận giấy phép sản xuất nước tinh khiết và bàn giao tới khách hàng;
  • Hỗ trợ hậu mãi cho khách hàng ngay cả khi đã hoàn tất dịch vụ pháp lý.

Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Hồng Bàng liên quan đến Thủ tục xin giấy phép sản xuất nước tinh khiết. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của Luật Hồng Bàng, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6575 hoặc gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!