Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật dân sự năm 2015;
  • Luật Doanh nghiệp năm 2020

Một công ty muốn vận hành buộc phải có vốn để hoạt động và duy trì sản xuất, kinh doanh. Bởi vậy, góp vốn là nội dung quan trọng có tính chất quyết định trong việc thành lập công ty.

Các hình thức góp vốn vào công ty

Luật Doanh nghiệp năm 2020 định nghĩa “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty”. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ chấp nhận tài sản làm vốn góp.

Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa về tài sản như sau:

Điều 105. Tài sản

  1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
  2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.

Về nguyên tắc, mọi tài sản đều có thể đem góp vào làm vốn của công ty với điều kiện các tài sản này phải là các tài sản được chuyển giao trong giao lưu dân sự một cách hợp pháp. Tuy nhiên tài sản được chấp nhận góp vào làm vốn còn phụ thuộc vào sự thỏa thuận cụ thể của các thành viên hoặc cổ đông sáng lập của công ty.

  • Tài sản góp vốn là tiền: góp vốn bằng tiền có tính chất giống với việc bỏ tiền ra mua quyền lợi công ty. Đây là hình thức góp vốn đơn giản nhất vì không cần xác định giá trị của tiền mà tự bản thân nó là thước đo xác định giá trị và được dùng để xác định giá trị, định giá các loại tài sản khác khi góp vốn vào công ty.
  • Tài sản góp vốn là vật hoặc giấy tờ có giá: bản chất việc góp vốn bằng vật hoặc giấy tờ có giá chính là góp vốn bằng quyền sở hữu chúng. Khi góp vốn bằng vật hoặc giấy tờ có giá, người góp vốn chuyển quyền sở hữu của mình sang quyền sở hữu của công ty và nhận lại lại quyền lợi tương ứng. Việc công ty trở thành chủ sở hữu của vật góp vốn buộc công ty phải có tư cách pháp nhân đồng nghĩa với việc các công ty không có tư cách pháp nhân thì không thể thực hiện việc góp vốn bằng vật. Bên cạnh đó, tài sản góp vốn là vật phải thỏa mãn yêu cầu công ty hoặc công ty phải có nhu cầu sở hữu, sử dụng tài sản đó.
  • Tài sản góp vốn là quyền tài sản: góp vốn bằng quyền có phần phức tạp hơn những những kiểu góp vốn bằng tài sản khác bởi khó xác định, định giá “quyền” sao cho chính xác. Các quyền tài sản có thể đem ra góp vốn vào thành lập doanh nghiệp: quyền hưởng dụng, quyền sở hữu trí tuệ hay sản nghiệp thương mại.

Định giá tài sản góp vốn

Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, tài sản góp vốn phải được định giá, trừ tiền (bao gồm cả tiền Việt Nam và tiền nước ngoài tự do chuyển đổi) và vàng. Việc định giá tài sản góp vốn theo tinh thần của Luật doanh nghiệp năm 2014 phải tuân theo nguyên tắc nhất trí, tức là phương thức định giá sẽ do các thành viên hay cổ đông sáng lập lựa chọn: (1) hoặc tự mình định giá (2) hoặc thông qua một tổ chức chuyên nghiệp định giá nhưng vẫn cần có sự đồng ý của đa số các thành viên hoặc cổ đông.

Việc định giá tài sản góp vốn là vô cùng quan trọng bởi mục đích của nó là xác định giá trị phần vốn góp vào công ty của người góp vốn. Giá trị phần vốn góp này sẽ tương ứng với phần quyền lời người đó nhận lại từ công ty nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các thành viên công ty. Nếu tài sản góp vốn được định giá  mà cao hơn giá trị  thực tế tại thời điểm góp vốn sẽ tạo ra sự bất bình đằng, mục đích ban đầu của việc định giá sẽ không còn.

Thủ tục góp vốn thành lập công ty

Đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (Ví dụ: nhà đất, xe cơ giới,…)

Bước 1: Ký hợp đồng góp vốn bằng tài sản, có công chứng/chứng thực.

Bước 2: Bàn giao tài sản trên thực tế.

Bước 3: Nộp hồ sơ sang tên, khai thuế, đóng các khoản lệ phí liên quan. Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ.

Bước 4: Nhận Giấy chứng nhận quyền sở hữu đứng tên Công ty.

Bước 5: Ghi nhận tư cách thành viên/cổ đông công ty.

  • Đối với Công ty TNHH một thành viên, việc góp vốn hoàn tất sau khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản đăng ký góp vốn.
  • Đối với Công ty TNHH 2 thành viên và Công ty Cổ phần, việc góp vốn chính thức hoàn tất sau khi công ty cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp và lập Sổ đăng ký thành viên đối công ty TNHH 2 thành viên; hoặc Cổ phiếu (Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần) và lập sổ đăng ký cổ đông đối với Công ty Cổ phần.
  • Đối với Công ty Hợp danh, không có quy định bắt buộc phải lập Sổ đăng ký thành viên mà chỉ có quy định về việc cấp Giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn đã hoàn tất việc góp vốn. Tuy nhiên, để đảm bảo việc lưu trữ, Công ty cũng nên lập Sổ đăng ký thành viên với các nội dung tương tự Sổ đăng ký thành viên của Công ty TNHH 2 thành viên.

Đối với các tài sản không cần đăng ký quyền sở hữu

Về mặt pháp lý việc góp vốn đối với các tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản giao nhận.

Nội dung biên bản phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Thẻ căn cước công dân, Giấy CMND, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo ủy quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty.

Cụ thể:

Bước 1: Chuyển giao tài sản thực tế.

Bước 2: Xác nhận bằng biên bản giao nhận.

Bước 3: Ghi nhận tư cách thành viên/ cổ đông công ty.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.