Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hiện nay, cộng đồng LGBT chiếm số lượng không ít trong xã hội, càng ngày họ càng mong muốn được sống đúng với giới tính của mình, được xã hội nhìn nhận đúng đắn và đặc biệt là được công nhận hôn nhân. Vậy quy định của pháp luật đối với hôn nhân đồng tính như thế nào? Trong bài viết này, Luật Hồng Bàng sẽ cung cấp tới Quý bạn đọc quy định của pháp luật hiện hành về hôn nhân đồng tính.

Căn cứ pháp lý

Hôn nhân đồng tính là gì?

Để hiểu về hôn nhân đồng tính, trước hết chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn về những người đồng tính (đồng tính). Đồng tính không phải là một loại bệnh như định kiến của nhiều người. Đây là xu hướng tình dục, xu hướng tình yêu, bị chi phối bởi tâm lý và cấu tạo sinh lý của cơ thể con người mà họ không thể lựa chọn khác được. Những người đồng tính cũng như những người bình thường khác về mặt thể chất, tinh thần, chỉ khác về xu hướng tình dục.

Hôn nhân đồng tính là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Đó có thể là cuộc sống chung giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Hôn nhân giữa những người này xuất phát từ tình yêu đồng tính. Họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự yêu thương, sự đồng cảm, ấm áp và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.

Thực trạng hiện nay về hôn nhân đồng tính

Những người đồng tính là một bộ phận nằm trong cộng đồng LGBT: đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay), song tính (thích của hai giới nam và nữ), chuyển giới (là người có sinh ra có cảm nhận về tâm hồn thể xác trái ngược với giới tính sinh học của mình). Tính đến nay trên thế giới đã có 26 quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân giữa người cùng giới tính. Họ có thể kết hôn hợp pháp với nhau và được pháp luật bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp có liên quan như các cặp vợ chồng khác. Ở khu vực châu Á, vào năm 2017, Quốc hội Đài Loan trở thành cơ quan đầu tiên đồng ý hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Những người đồng tính được công nhận, được có các quyền và nghĩa vụ pháp lý, được pháp luật bảo vệ như các cặp vợ chồng thông thường.

Ở Việt Nam hiện chưa có một cuộc nghiên cứu chính thức nào về giới tính mà đặc biệt là thống kê những người đồng tính nam và đồng tính nữ. Theo một thống kê chưa chính thức từ tổ chức phi chính phủ CARE ước tính đến năm 2012 thì Việt Nam có khoảng từ 50.000 – 125.000 người đồng tính. Hiện nay là năm 2020 thì những con số này đã tăng lên rất nhiều, một phần là do xã hội đã cởi mở và ít kỳ thị hơn nên những người đồng tính công khai ngày càng nhiều hơn. Số lượng các cặp đôi công khai hôn nhân đồng tính của mình ngày càng tăng. Nước ta cũng đã có cái nhìn cởi mở hơn về cuộc sống hôn nhân giữa họ bởi họ thực sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, là những người có ích cho xã hội.

Xem thêm: Dịch vụ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân

Pháp luật Việt Nam về hôn nhân đồng tính

Luật Hôn nhân gia đình 2000 cấm kết hôn đồng tính

Trước đây, theo quy định của Luật Hôn nhân gia đình năm 2000, kết hôn giữa những người cùng giới tính là một trong 05 trường hợp cấm kết hôn. Vào thời điểm này, quan điểm, cách nhìn của các nhà làm luật cũng như mọi người không chấp nhận cuộc hôn nhân giữa những người cùng giới tính với nhau. Do kết hôn giữa những người cùng giới tính là trường hợp bị cấm nên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 87/2001/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình với mức phạt tiền sẽ từ 100.000 đồng – 500.000 đồng. Tuy nhiên, những quy định này hiện nay đã hết hiệu lực.

Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 đã có cái nhìn cởi mở hơn

Cùng với sự tiến bộ trong nhận thức của toàn xã hội về vấn đề kết hôn đồng tính. Hiện nay, nước ta đã có cái nhìn cởi mở hơn về những người đồng tính cũng như hôn nhân giữa họ. Điều này đã được thể hiện trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hiện hành. Theo đó, hiện nay pháp luật không quy định hôn nhân đồng tính thuộc vào các trường hợp bị cấm kết hôn. Tại khoản 2 điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ quy định: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Đây là một bước thay đổi lớn trong tư duy của những người làm công tác lập pháp về người đồng tính. Qua quy định này cho thấy pháp luật đã thay đổi cách nhìn với hôn nhân đồng tính. Pháp luật không nghiêm cấm một cách cứng nhắc như trước đây mà chỉ không thừa nhận hôn nhân giữa những người đồng tính. Do đó, các cặp đôi đồng tính vẫn có thể tổ chức đám cưới trên thực tế, vẫn được chung sống với nhau nếu có nhu cầu nhưng về mặt pháp lý thì sẽ không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng. Cùng với đó, Nghị định 110/2013/NĐ-CP cũng không quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kết hôn giữa những người đồng tính.

Có thể thấy, dù hiện nay pháp luật chưa thừa nhận kết hôn đồng tính nhưng sự thay đổi nêu trên vẫn được coi là tín hiệu vui đối với những cặp đôi có cùng giới tính, là kết quả của một quá trình vận động và thảo luận trong suốt một thời gian dài.

Có nên thừa nhận hôn nhân đồng tính ở Việt Nam?

Hiện nay, nhu cầu công nhận hôn nhân đồng tính ở Việt Nam là rất lớn. Các cặp đôi đồng tính tại nước ta đều kỳ vọng rằng pháp luật Việt Nam cho phép kết hôn đồng tính như 26 quốc gia khác trên thế giới. Những người trong cộng đồng LGBT đều khao khát được kết hôn với những người có cùng giới tính để đồng cảm, chia sẻ, quan tâm và chăm sóc lẫn nhau, cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.

Tuy nhiên để Việt Nam chấp nhận hôn nhân đồng tính thì cần rất nhiều thời gian. Bản thân nước ta là nước có nền văn hóa Á Đông, nếu thừa nhận có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực với xã hội, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống gia đình Việt Nam, không phù hợp quy luật sinh học và không bảo đảm chức năng duy trì nòi giống của gia đình. Hiện tại, mọi người tuy đã có cái nhìn cởi mở, tích cực hơn về cộng đồng LGBT nhưng để hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính thì lại là một vấn đề cần cân nhắc kĩ lưỡng.

Dưới góc độ pháp lý, nếu thừa nhận hôn nhân đồng tính thì sẽ phải sửa đổi, bổ sung tất cả các quy định liên quan trong hệ thống pháp luật, như xác định quan hệ vợ chồng, quan hệ tài sản, xác định cha, mẹ con. Cùng với đó là các vấn đề sửa đổi hộ tịch sẽ phát sinh, gây ra việc khó khăn trong việc thực thi, quản lý.


Trên đây là toàn bộ bài viết của Luật Hồng Bàng liên quan đến Quy định của pháp luật Việt Nam về hôn nhân đồng tính. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!