Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hiệu lực của thỏa thuận trọng tài

Một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện: (1) Điều kiện về hình thức, (2) Điều kiện về nội dung và (3) Điều kiện về chủ thể.

(1) Điều kiện về hình thức: Dù thoả thuận trọng tài được giao kết như một điều khoản trong hợp đồng hay thành lập một thoả thuận riêng thì thoả thuận này cũng bắt buộc phải hình thành bằng văn bản. Khái niệm “văn bản” mà các văn bản pháp luật (cả quốc tế và nội địa) quy định thường được mở rộng hơn so với khái niệm thông thường nhằm tạo điều kiện cho việc thừa nhận giá trị của thỏa thuận trọng tài. Riêng yêu cầu về chữ ký của các bên theo quy định tại Điều II Công ước New York 1958 đã gây ra nhiều vấn đề tại một số quốc gia nhưng quan điểm chung vẫn là không cần đến chữ ký nếu thỏa thuận trọng tài được lập bằng văn bản. Khoản 2 Điều 16 Luật Trọng tài Thương mại Việt Nam 2010 liệt kê các phương thức của thoả thuận bằng văn bản được chấp nhận là thoả thuận có hiệu lực.

(2) Điều kiện về nội dung. Hầu hết pháp luật các nước chỉ đơn thuần quy định điều khoản trọng tài phải thể hiện thỏa thuận đưa tranh chấp ra trọng tài. Từ một số thỏa thuận trọng tài mẫu của các trung tâm trọng tài, có thể thấy một thoả thuận trọng tài phải thể hiện được đầy đủ các nội dung cơ bản như: Đồng thuận lựa chọn phương thức trọng tài; Đồng thuận về phạm vi giải quyết tranh chấp của trọng tài; Đồng thuận về lựa chọn trung tâm trọng tài và quy tắc xét xử của trung tâm đó. Một thỏa thuận trọng tài cũng thể hiện phạm vi thẩm quyền của trọng tài trong giải quyết tranh chấp và các bên cũng có thể thoả thuận thêm về địa điểm xét xử, ngôn ngữ trọng tài… mà các bên thấy là phù hợp. 

(3) Điều kiện về chủ thể: Điều kiện cuối cùng là điều kiện về chủ thể giao kết thoả thuận trọng tài, mà bản chất của một thỏa thuận trọng tài chính là một giao dịch dân sự. Theo đó, chủ thể phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập và phải tham gia vào giao dịch dân sự một cách tự nguyện.

Án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của  người tiêu dùng

Trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu

Các văn bản pháp luật không đưa ra định nghĩa cụ thể về thỏa thuận trọng tài vô hiệu tuy nhiên có thể hiểu bản chất của thỏa thuận trọng tài vô hiệu là thỏa thuận trọng tài rơi vào tình trạng mất hiệu lực ngay từ ban đầu. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu dẫn đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài bị loại bỏ. Công ước New York 1958 và Luật mẫu UNCITRAL đều không có quy định cụ thể nào về định nghĩa cũng như các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu, vì vậy có thể dựa vào các điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài để suy ra các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Đặc biệt, theo Công ước New York, đối với điều kiện về hình thức, thỏa thuận trọng tài phải bằng văn bản có chữ ký của các bên.

Pháp luật Việt Nam quy định các trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010. Pháp luật Việt Nam mặc dù có cách trình bày khác (liệt kê), song về cơ bản, vẫn đặt ra yêu cầu một thỏa thuận trọng tài phải đáp ứng đủ các điều kiện đã được nhắc tới ở trên. Trong đó“Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại Khoản 2 điều này được làm rõ là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi (i) không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc (ii) không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập.

Trường hợp thỏa thuận trọng tài có hiệu lực nhưng không thể thực hiện được

Thỏa thuận trọng tài không thực hiện được là một trường hợp đặc biệt, mặc dù thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực pháp lý nhưng không có khả năng thực hiện trên thực tế. Nhìn chung vào quy định pháp luật của các nước phát triển trên thế giới, chúng ta thấy nội dung pháp lý của các trường hợp về cơ bản là giống nhau, chẳng hạn như Luật Mẫu UNCITRAL (khoản 1 Điều 8); Luật trọng tài Đức (khoản 1 điều 1032); Luật trọng tài thương mại Canada 1986 (khoản 1 điều 8). Trong trường hợp thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được mà các bên không có thỏa thuận mới để tiếp tục giải quyết vụ việc bằng trọng tài thì trọng tài không có thẩm quyền, khi đó các bên có thể lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp khác để giải quyết tranh chấp.

Tại Việt Nam, các trường hợp thoả thuận trọng tài không thực hiện được quy định tại Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành Quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.