I. KHÁI NIỆM.
Quy định về tập trung kinh tế được ghi nhận tại Luật Cạnh tranh và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Hiện nay Luật Cạnh tranh năm 2018 chưa đưa ra định nghĩa cho hoạt động tập trung kinh tế mà chỉ liệt kê ra những hình thức tập trung kinh tế.
Theo Khoản 1 Điều 29 Luật Cạnh tranh năm 2018, tập trung kinh tế gồm các hình thức:
1) Sáp nhập doanh nghiệp;
2) Hợp nhất doanh nghiệp;
3) Mua lại doanh nghiệp;
4) Liên doanh giữa các doanh nghiệp;
5) Các hình thức tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật
II. NGƯỠNG THÔNG BÁO.
Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định theo các tiêu chí tại khoản 2 Điều 33 Luật Cạnh tranh năm 2018 như sau:
1) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
2) Tổng doanh thu trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
3) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;
4) Thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.
Mức độ cụ thể của từng tiêu chí được quy định tại Điều 13 Nghị định 35/2020/NĐ-CP.
III. HỒ SƠ THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ.
Theo Khoản 1 Điều 34 Luật Cạnh tranh năm 2018, hồ sơ thông báo tập trung kinh tế bao gồm:
1) Thông báo tập trung kinh tế theo mẫu do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành;
2) Dự thảo nội dung thỏa thuận tập trung kinh tế hoặc dự thảo hợp đồng, biên bản ghi nhớ việc tập trung kinh tế giữa các doanh nghiệp;
3) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc văn bản tương đương của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
4) Báo cáo tài chính của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế hoặc báo cáo tài chính từ thời điểm thành lập đến thời điểm thông báo tập trung kinh tế đối với doanh nghiệp mới thành lập có xác nhận của tổ chức kiểm toán theo quy định của pháp luật;
5) Danh sách các công ty mẹ, công ty con, công ty thành viên, chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị phụ thuộc khác của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế (nếu có);
6) Danh sách các loại hàng hóa, dịch vụ mà từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế đang kinh doanh;
7) Thông tin về thị phần trong lĩnh vực dự định tập trung kinh tế của từng doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong 02 năm liên tiếp liền kề trước năm thông báo tập trung kinh tế;
8) Phương án khắc phục khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh của việc tập trung kinh tế;
9) Báo cáo đánh giá tác động tích cực của việc tập trung kinh tế và các biện pháp tăng cường tác động tích cực của việc tập trung kinh tế.
IV. THỦ TỤC THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ CỤ THỂ.
Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thuộc Bộ Công Thương. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho bên nộp hồ sơ về tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm thông báo bằng văn bản các nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung để các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.
Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phải ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế về một trong các nội dung sau đây:
1) Tập trung kinh tế được thực hiện;
2) Tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức.
Bước 3: Nếu tập trung kinh tế phải thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ với nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 của Luật này.
Đối với vụ việc phức tạp, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có thể gia hạn thẩm định chính thức nhưng không quá 60 ngày và thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.
Bước 4: Sau khi kết thúc thẩm định chính thức việc tập trung kinh tế, căn cứ vào nội dung thẩm định chính thức, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định về một trong các nội dung sau đây:
1) Tập trung kinh tế được thực hiện;
2) Tập trung kinh tế có điều kiện quy định tại Điều 42 của Luật Cạnh tranh năm 2018;
3) Tập trung kinh tế thuộc trường hợp bị cấm.
Quyết định về việc tập trung kinh tế phải được gửi đến các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.