Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Không phải là hàng hóa nhưng nhãn hiệu và tên thương mại lại có ý nghĩa rất lớn trong thương mại. Nhãn hiệu và tên thương mại là một trong những đối tượng cơ bản của quyền sở hữu trí tuệ nói chung hay quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau về bản chất nhưng do sự giống nhau về mặt hình thức nên dễ gây nhầm lẫn. Sau đây, Công ty Luật Hồng Bàng xin giải đáp một số vấn đề về Nhãn hiệu và Tên thương mại như sau:

Khái quát về Nhãn hiệu và Tên thương hiệu

Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (Khoản 16 Điều 4); “Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh” (Khoản 21 Điều 4).

Có thể thấy khác biệt cơ bản của nhãn hiệu và tên thương mại là ở hình thức thể hiện và chức năng. Đối với hình thức thể hiện: Trong khi nhãn hiệu thể hiện ra bên ngoài bằng “dấu hiệu” thì tên thương mại lại thể hiện bằng “tên gọi”. Tuy nhiên, vì “dấu hiệu” của nhãn hiệu có thể là chữ cái, từ ngữ nên có thể bị nhầm lẫn với “tên gọi” của tên thương mại. Đối với chức năng: Nhãn hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Tên thương mại để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Căn cứ xác lập quyền

Theo điểm a khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ: “a) Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;”. Như vậy, nhãn hiệu thông thường phải đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp văn bằng bảo hộ. Chỉ đối với trường hợp nhãn hiệu nổi tiếng không cần phải đăng ký và xác lập trên cơ sở sử dụng. Theo điểm b khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ, căn cứ xác lập quyền sở hữu công nghiệp của tên thương mại là trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó, không bắt buộc phải đăng ký hay không yêu cầu phải có văn bằng bảo hộ

Điều kiện bảo hộ

Điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu được quy định ở Điều 72, 73 và 74 Luật sở hữu trí tuệ. Theo đó, nhãn hiệu phải đáp ứng các điều kiện là phải nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Mặt khác, phải có khả năng phân biệt với hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác và không thuộc các trường hợp dấu hiệu không được bảo hộ là nhãn hiệu thuộc Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ.

Điều kiện để bảo hộ tên thương mại được quy định tại Điều 77, Điều 78 Luật sở hữu trí tuệ. Hai điều luật này quy định về đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa tên thương mại và dấu hiệu để phân biệt tên thương mại. Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Điều kiện có khả năng phân biệt: Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng; Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. Bên cạnh đó, tên thương mại được bảo hộ nếu không thuộc trường hợp tại Điều 77 Luật sở hữu trí tuệ.

Thời hạn bảo hộ.

Nhãn hiệu: Khoản 6 Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ quy định thời hạn bảo hộ đối với nhãn hiệu là 10 năm (từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn) đồng thời có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 10 năm.

Tên thương mại: Không xác định thời hạn bảo hộ hay có thể hiểu là thời hạn bảo hộ của tên thương mại là không hạn chế.

Phạm vi bảo hộ

Tên thương mại được bảo hộ trong một địa bàn, trên một lĩnh vực. Nhãn hiệu được bảo hộ trên toàn quốc.

Hành vi xâm phạm

Hành vi vi phạm nhãn hiệu được thể hiện ở các hình thức quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ, cụ thể:

a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó.

b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng kí kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ.

d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kì, kể cả hàng hóa, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng.

Khoản 2, điều 129 Luật sở hữu trí tuệ quy định hành vi bị coi là hành vi xâm phạm đối với tên thương mại như sau: “Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.” So với các quy định của hành vi xâm phạm nhãn hiệu, quy định về hành vi xâm phạm tên thương mại chưa được rõ ràng bằng, tuy nhiên với mức độ khái quát nhất ta có cái nhìn cụ thể về hành vi này, để không vi phạm bảo vệ chính lợi ích của mình cũng như không xâm phạm đến lợi ích của các chủ thể khác.

Giới hạn trong chuyển giao

Quyền với nhãn hiệu được chuyển nhượng quyền sở hữu nhưng phải đáp ứng điều kiện tại khoản 4, khoản 5 Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ:

4. Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.

5. Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.

Ngoài ra, nhãn hiệu còn được chuyển giao quyền sử dụng.

Quyền với tên thương mạị chỉ được chuyển nhượng đồng thời với việc chuyển nhượng toàn bộ cơ sở kinh doanh và hoạt động kinh doanh gắn với tên thương mại đó (Điều 139 Luật sở hữu trí tuệ). Thêm vào đó, tên thương mại không được chuyển giao quyền sử dụng.

Dịch vụ đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu và Tên thương mại

Với đội ngũ Luật sư và chuyên viên pháp lý cao cấp, chúng tôi luôn tự tin sẽ mang lại cho khách hàng dịch vụ hoàn hảo, chuyên nghiệp, uy tín. Khách hàng hãy liên hệ ngay với Công ty chúng tôi theo địa chỉ sau khi muốn tiến hành thủ tục đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu và Tên thương mại.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua emaillienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.