Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Công ty CP phải đáp ứng điều kiện nào về vốn điều lệ để trở thành công ty đại chúng?

Căn cứ theo quy định tại Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 có nội dung:

Công ty đại chúng

1. Công ty đại chúng là công ty cổ phần thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

a) Công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

b) Công ty đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.

2. Công ty cổ phần quy định tại điểm a khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quy định tại khoản 1 Điều 33 của Luật này cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty hoàn thành việc góp vốn và có cơ cấu cổ đông đáp ứng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký công ty đại chúng đầy đủ và hợp lệ của công ty cổ phần theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc nhận được báo cáo kết quả hoàn thành đợt chào bán của công ty cổ phần theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, đồng thời công bố tên, nội dung kinh doanh và các thông tin khác liên quan đến công ty đại chúng trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, công ty cổ phần (gọi tắt là công ty CP) trở thành công ty đại chúng trong hai trường hợp:

(1) Công ty CP có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ;

(2) Công ty CP đã thực hiện chào bán thành công cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Chứng khoán 2019.

Theo đó, đối với trường hợp (1) thì điều kiện về vốn điều lệ để công ty CP trở thành công ty đại chúng là có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, công ty CP còn phải đáp ứng có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ.

Hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của công ty CP ra sao?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Chứng khoán 2019 thì hồ sơ đăng ký công ty đại chúng của công ty CP bao gồm:

(1) Giấy đăng ký công ty đại chúng;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

(4) Bản công bố thông tin về công ty đại chúng bao gồm thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông, tài sản, tình hình tài chính và các thông tin khác;

(5) Báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty cổ phần được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp công ty tăng vốn điều lệ sau thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm gần nhất, công ty phải bổ sung báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán;

(6) Danh sách cổ đông.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 7 Thông tư 118/2020/TT-BTC thì trường hợp công ty đại chúng hình thành sau chia, tách, hợp nhất, sáp nhập thành phần hồ sơ bao gồm:

(1) Giấy đăng ký công ty đại chúng;

(2) Điều lệ công ty;

(3) Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;

(4) Bản công bố thông tin về công ty đại chúng bao gồm thông tin tóm tắt về mô hình tổ chức bộ máy, hoạt động kinh doanh, bộ máy quản lý, cơ cấu cổ đông, tài sản, tình hình tài chính và các thông tin khác;

(5) Danh sách cổ đông.

(6) Báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty cổ phần được hình thành sau chia, tách, hợp nhất doanh nghiệp được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, công ty chưa có báo cáo tài chính năm gần nhất do thời gian hoạt động chưa đủ năm tài chính theo quy định, Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán trong hồ sơ đăng ký công ty đại chúng được thay thế bằng Báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập.

(7) Báo cáo tài chính năm gần nhất của công ty cổ phần được hình thành sau sáp nhập được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập. Trường hợp công ty hình thành sau sáp nhập đăng ký doanh nghiệp sau thời điểm kết thúc kỳ kế toán năm gần nhất, công ty phải bổ sung báo cáo tài chính kỳ gần nhất được kiểm toán.

Công ty CP là công ty đại chúng có những quyền nào?

Căn cứ theo quy định khoản 1 Điều 34 Luật Chứng khoán 2019 thì sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng, công ty đại chúng có các quyền sau đây:

– Công bố thông tin theo quy định của Luật này;

– Tuân thủ quy định về quản trị công ty theo quy định của Luật Chứng khoán 2019;

– Thực hiện đăng ký cổ phiếu tập trung tại Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam theo quy định tại Điều 61 Luật Chứng khoán 2019;

– Công ty đại chúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. Sau 02 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, công ty đại chúng có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết khi đáp ứng các điều kiện niêm yết chứng khoán;

– Công ty đại chúng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Chứng khoán 2019 phải đưa cổ phiếu vào niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán ra công chúng.

 

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.