Hiện nay, ngành nghề in ấn là một trong những ngành nghề phổ biến ở nước ta. Để một doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Vậy quy trình xin giấy phép con cho ngành in gồm những thủ tục gì?
Cơ sở pháp lý
- Luật Xuất bản ngày 20/11/2012;
- Nghị định 195/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật xuất bản;
- Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in;
- Nghị định 25/2018/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in;
- Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.
Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động in
1, Cơ sở in ấn nào cần phải được cấp giấy phép hoạt động in?
Cơ sở in thực hiện chế bản, in, gia công sau in các sản phẩm in dưới đấy phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động in:
- Báo, tạp chí và các ấn phẩm báo chí khác theo quy định của pháp luật về báo chí;
- Mẫu, biểu mẫu giấy tờ do cơ quan nhà nước ban hành;
- Tem chống giả;
- Hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá (không bao gồm tiền);
- Xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật về xuất bản;
- Bao bì, nhãn hàng hóa;
- Tài liệu, giấy tờ của tổ chức, cá nhân;
- Các sản phẩm in khác.
2, Điều kiện cơ sở in cần đáp ứng
- Có thiết bị phù hợp để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn chế bản, in, gia công sau in theo nhu cầu, khả năng hoạt động của cơ sở in;
- Có mặt bằng hợp pháp để thực hiện chế bản, in, gia công sau in;
- Có chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam và có người đứng đầu là nguời đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
Trước khi hoạt động, cơ sở in phải gửi 02 tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động in theo quy định sau đây:
- Cơ sở in thuộc các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Cơ sở in khác gửi hồ sơ qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến hoặc dịch vụ bưu chính, chuyển phát hoặc nộp hồ sơ trực tiếp tại Sở Thông tin và truyền thông đơn vị chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3, Hồ sơ xin cấp giấy phép hoạt động in
Số lượng 02 bộ:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động in;
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu một trong các loại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký thuế, quyết định thành lập cơ sở in đối với cơ sở in sự nghiệp công lập;
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng hoặc các loại giấy tờ khác chứng minh về việc được giao đất, thuê đất, thuê mặt bằng, nhà xưởng hoặc bên giao, cho thuê của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng hoặc các loại giấy tờ khác chứng minh về việc được giao đất, thuê đất, thuê mặt bằng, nhà xưởng;
- Giấy tờ chứng minh các thiết bị phù hợp để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn chế bản, in, gia công sau in theo nhu cầu, khả năng hoạt động của cơ sở in (hóa đơn mua thiết bị, giấy phép nhập khẩu thiết bị);
- Bản sao sổ hộ khẩu, giấy tờ chứng thực cá nhân của người đứng đầu cơ sở in;
- Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in.
Cơ sở in được cấp giấy phép hoạt động in không phải thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động.
Thời hạn xử lý hồ sơ: 15-20 ngày làm việc.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.