Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Nhà nước bảo hộ hôn nhân, bảo đảm quyền tự do ly hôn của vợ, chồng, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những căn cứ kiểm soát ly hôn, điển hình là việc đưa ra những quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng. Dưới đây là một số nghiên cứu của Luật Hồng Bàng về quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong một số trường hợp theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. 

Quy định về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng

Tại khoản 3 Điều 51, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”. 

Xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em, từ tính nhân đạo của pháp luật, Luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ta quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng trong một số trường hợp. Theo đó, việc xác định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng được dựa vào ba mốc thời gian: 

  • Trong khoảng thời gian mang thai của người vợ

Về trạng thái có thai của người vợ, việc xác định trạng thái này dựa trên cơ sở sinh học thông qua quá trình thụ thai và phát triển của trứng để thành thai nhi. Khi người vợ được xác định là đang có thai thì chồng của họ không có quyền yêu cầu ly hôn. 

Tuy nhiên, nếu người vợ không thể mang thai nên đã nhờ người khác mang thai hộ thì việc xác định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng của cả bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ như sau: 

Đối với bên mang thai hộ: Tuy là mang thai hộ, không phải con chung nhưng tại thời điểm đó, về mặt sinh học, người vợ đó vẫn được xét là đang mang thai. Chính vì vậy mà người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong thời gian người vợ mang thai hộ. 

Đối với bên nhờ mang thai hộ: Do nhờ người mang thai hộ mà trên thực tế người vợ bên nhờ mang thai hộ được xét là không mang thai. Bởi vì người mang thai lúc này là bên mang thai hộ chứ không phải người vợ bên nhờ mang thai. Lúc này, người chồng vẫn có yêu cầu ly hôn mà không bị hạn chế.

  • Trong khoảng thời gian người vợ sinh con

 Về việc người vợ sinh con, xét trên khía cạnh bảo vệ bà mẹ và trẻ em, nếu người chồng chỉ bị hạn chế quyền yêu cầu ly hôn trong quá trình sinh con là không hợp lý. Trên thực tế, quá trình sinh con chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian và quá trình này diễn ra trong thời gian tối đa là khoảng 10 giờ. Như vậy, sự kiện sinh con của người vợ được coi là một trường hợp hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng nhưng không chỉ vào thời điểm người vợ sinh con mà kéo dài cho đến khi được 12 tháng. 

  • Trong khoảng thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi

về việc người vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi: Nếu vợ đang chăm sóc con dưới 12 tháng tuổi thì người chồng không có quyền yêu cầu ly hôn. Điều này áp dụng cả với trường hợp mang thai hộ. Trước khi giao đứa bé về bên nhờ mang thai hộ, nếu người vợ mang thai hộ sau khi sinh mà đang chăm sóc, nuôi dưỡng đứa trẻ thì cũng được coi là người vợ đang nuôi con.

Quy định hạn chế quyền yêu cầu ly hôn tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chỉ đặt ra đối với người chồng mà không áp dụng đối với người vợ. Có nghĩa là trong mọi khoảng thời gian, dù người vợ đang có thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, nếu xét thấy tình cảm giữa vợ chồng đã hết và mâu thuẫn xung đột xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của cả hai bên cũng như của thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, dẫn đến việc người vợ có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết vụ kiện ly hôn theo thủ tục chung

Nếu cả hai vợ chồng đều thuận tình ly hôn trong thời gian người vợ đang mang thai thì phải giải quyết như thế nào?

Trong khoảng thời gian người vợ đang mang thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà cả hai bên thuận tình đồng ý ly hôn, thỏa thuận thành công việc chia tài sản cũng như vấn đề con chung thì Tòa cũng chưa thể chấp thuận và giải quyết trường hợp này. Nếu Tòa án thụ lý và giải quyết đơn thuận tình ly hôn của hai bên trong tình huống này đồng nghĩa với việc ngầm thừa nhận người chồng có quyền yêu cầu ly hôn khi người vợ đang có thai, đang sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi và sẽ vi phạm khoản 3 Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014.

Vì vậy, cách xử lý trong trường hợp này là Tòa án cần giải thích cho đương sự biết về việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng đồng thời hướng dẫn để người vợ viết đơn yêu cầu ly hôn. Lúc này, Tòa án có thể thụ lý vụ án ly hôn theo yêu cầu của một bên (người vợ) căn cứ Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014


Trên đây là toàn bộ bài viết của chúng tôi về việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi vợ đang mang thai. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như tiếp cận dịch vụ của chúng tôi, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau:

  • Liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75;
  • Gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật 1900.6575;
  • Gửi thư yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.