Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com
  1. Bảo hiểm xã hội là gì?

Ngày nay, BHXH đã trở thành một chính sách lớn được Hiến pháp thừa nhận và luật pháp quy định. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật BHXH 2014, BHXH được ghi nhận là “sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”. Như vậy, có thể hiểu BHXH là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ, khi họ gặp phải biến cố, rủi ro về sức khỏe, mất khả năng lao động, mất việc làm, chết; gắn liền với quá trình tạo lập một quỹ tiền tệ tập trung được hình thành bởi các bên tham gia BHXH đóng góp và việc sử dụng quỹ đó cung cấp tài chính nhằm đảm bảo mức sống cơ bản cho bản thân NLĐ và những người ruột thịt của NLĐ trực tiếp phải nuôi dưỡng, góp phần đảm bảo an toàn xã hội. BHXH về thực chất là một phương thức phân phối lại thu nhập bằng các kĩ thuật nghiệp vụ, nhằm góp phần cân bằng thu nhập bị mất hoặc giảm từ hoạt động nghề nghiệp bằng khoản trợ cấp từ BHXH.

2. Các loại bảo hiểm xã hội

Hiện nay, tại Việt Nam, BHXH được quy định bao gồm 2 hình thức là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH tự nguyện là loại hình BHXH mà đối tượng tham gia hoàn toàn tự nguyện đóng góp mức phí và thụ hưởng theo quy định. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật BHXH 2014, “Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia”. Cả hai chủ thể trong quan hệ lao động là NLĐ và NSDLĐ đều có nghĩa vụ tham gia hình thức bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của NLĐ khi gặp các trường hợp rủi ro dẫn đến suy giảm hoặc mất sức lao động trong quá trình làm việc. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thể hiện trách nhiệm của NSDLĐ này đối với NLĐ khi gặp rủi ro trong công việc, mặt khác, đảm bảo vững chắc quyền lợi của NLĐ trong những trường hợp rủi ro trên.

Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm xã hội bắt buộc là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập đối với NLĐ khi họ gặp rủi ro dẫn đến giảm hoặc mất khả năng lao động trong các trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở nghĩa vụ bắt buộc tham gia của NLĐ và NSDLĐ. Đối tượng tham gia vào hình thức BHXHBB bao gồm cả NLĐ và NSDLĐ. Cả hai chủ thể này không có quyền lựa chọn việc tham gia, thay vào đó, họ đều có nghĩa vụ phải tham gia và thực hiện theo các quy định của pháp luật liên quan. Cơ chế bắt buộc là một đặc tính quan trọng của hình thức BHXHBB, tạo nên sự khác biệt rõ ràng với hình thức bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Từ những đặc trưng trên, bảo hiểm xã hội bắt buộc trở thành một cơ chế bảo vệ NLĐ trong những trường hợp rủi ro liên quan đến quá trình làm việc. Khi NLĐ mất hoặc giảm thu nhập do gặp phải các trường hợp thuộc chế độ BHXH, họ sẽ nhận được khoản tiền nhằm bù đắp thu nhập bị mất, giúp NLĐ có điều kiện duy trì cuộc sống, phục hồi sức khoẻ và quay trở lại thị trường lao động. Đối với NSDLĐ, chế độ BHXHBB thể hiện trách nhiệm của họ đối với NLĐ gặp rủi ro, đồng thời chia sẻ gánh nặng kinh tế khi NSDLĐ phải trực tiếp bồi thường cho NLĐ. Ở cấp độ vĩ mô, nguồn tích luỹ từ bảo hiểm xã hội bắt buộc giúp trang trải các chi phí phát sinh trong quá trình điều trị và hỗ trợ NLĐ gặp rủi ro, thể hiện tinh thần hỗ trợ tương ái của cộng đồng.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.