Căn cứ pháp lý
- Luật đầu tư 2020;
- Nghị định 31/2021/NĐ-CP;
- Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT
1. Giấy chứng nhận đầu tư là gì?
Giấy chứng nhận đầu tư là giấy phép hoạt động do cơ quan có thẩm quyền ban hành cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện thường được gắn liền với các dự án đầu tư và áp dụng phần lớn cho các cá nhân, tổ chức có yếu tố nước ngoài.Có thể hiểu Giấy chứng nhận đầu tư là điều kiện cần thiết để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước khi thành lập doanh nghiệp.
2. Trình tự cấp lại Giấy chứng nhận đầu tư
Căn cứ Điều 41 Nghị định 31/2021/NĐ-CP có quy định trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bị mất hoặc bị hỏng, nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư để được cấp lại trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận được văn bản đề nghị.
Theo đó, doanh nghiệp, chủ đầu tư vẫn có thể được cấp lại Giấy chứng nhận đầu tư trong các trường hợp:
– Nhà đầu tư/doanh nghiệp bị mất, thất lạc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Nhà đầu tư/doanh nghiệp bị mờ, cháy, hỏng Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Về trình tự thực hiện:
– Bước 1: Nhà đầu tư nộp văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
– Bước 2: Nộp hồ sơ.
+ Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà đầu tư đối với cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
+ Cơ quan đăng ký đầu tư cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong khi nhận được văn bản đề nghị của nhà đầu tư.
Nếu doanh nghiệp/nhà đầu tư ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính xin cấp lại giấy chứng nhận đầu tư. Thì người được ủy quyền phải xuất trình chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực và các giấy tờ sau:
+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ nhận kết quả theo quy định của pháp luật, hoặc:
+ Hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa nhà đầu tư và tổ chức làm dịch vụ nộp hồ sơ nhận kết quả và giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả.
3. Hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đầu tư
Theo quy định tại Luật đầu tư 2020 thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là văn bản bằng giấy hoặc bản điện tử ghi nhận thông tin đăng ký của nhà đầu tư về dự án đầu tư. Theo đó, hiệu đính Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực chất là quá trình so sánh, đối chiếu, kiểm tra lỗi và chỉnh sửa nội dung trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho chính xác hơn. Thông tin được xử lý như: tên riêng chính tả, ngày tháng, địa danh, vv…
Căn cứ vào Điều 41 Nghị định 31/2021/NĐ-CP có quy định cụ thể như sau:
– Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử trong Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư có nội dung khác so với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có nội dung được ghi đúng theo nội dung trong hồ sơ đăng ký đầu tư có giá trị pháp lý. Cơ quan đăng ký đầu tư hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà đầu tư.
– Trường hợp thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa chính xác so với thông tin đăng ký tại hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư, Cơ quan đăng ký đầu tư hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của nhà đầu tư.
Như vậy hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện trong trường hợp:
– Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được lưu dưới dạng dữ liệu điện tử trong Hệ thống thông tin quốc gia về Đầu tư nước ngoài có nội dung khác so với Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì sẽ cần thực hiện thủ tục hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
– Trường hợp thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chưa chính xác so với thông tin đăng ký tại hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư thi sẽ cần thực hiện thủ tục hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
* Thủ tục thực hiện hiệu đính thông tin trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đầy đủ theo quy định.Thành phần hồ sơ:
– Văn bản đề nghị hiệu đính thông tin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo mẫu A.I.18 quy định tại Phụ lục A Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT; Trong đó nêu rõ: Nội dung đã quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp là gì? Nay đăng ký sửa thành gì? và: Lý do hiệu đính;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp;
– Trường hợp nhà đầu tư ủy quyền cho người khác đi nộp hồ sơ và nhận kết thay mình thì người làm thủ tục thay phải có một trong các giấy tờ sau:
+ Hợp đồng dịch vụ giữa tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư về việc hỗ trợ thực hiện thủ tục hiệu đính thông tin trên giấy chứng nhận đầu tư và Giấy giới thiệu của tổ chức đó cho cá nhân thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả;
+ Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục hiệu đính thông tin trên giấy chứng nhận đầu tư.
Bước 2: Doanh nghiệp đến nộp hồ sơ cho Cơ quan đăng ký đầu tư.
Cơ quan có thẩm quyền hiệu đính thông tin trên giấy chứng nhận đầu tư:
– Sở kế hoạch và đầu tư nơi nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư hiệu đính thông tin trên giấy chứng nhận đầu tư đối với:
+ Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
+ Dự án đầu tư thực hiện tại 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
+ Dự án đầu tư thực hiện đồng thời ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế;
+ Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nơi chưa thành lập Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc không thuộc phạm vi quản lý của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
– Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế thực hiện hiệu đính thông tin trên giấy chứng nhận đầu tư đối với:
+ Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế;
+ Dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Bước 3: Xét duyệt hồ sơ
Cơ quan đăng ký đầu tư xem xét hồ sơ, tiến hành hiệu đính thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trả kết quả cho nhà đầu tư trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết hồ sơ. Lưu ý: Nhà đầu tư phải nộp lại bản gốc tất các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp cho Cơ quan đăng ký đầu tư khi nhận Giấy chứng nhận đầu tư đã hiệu đính.
* Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi hiệu đính
Sau khi thực hiện thủ tục hiệu đinh thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vẫn bao gồm những nội dung cơ bản sau:
– Tên dự án đầu tư;
– Thông tin về (các) nhà đầu tư;
– Mã số dự án đầu tư;
– Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng;
– Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư;
– Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động);
– Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư;
– Tiến độ thực hiện dự án đầu tư bao gồm:
+ Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn .
+ Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn.
– Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có);
– Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
Tuy nhiên, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sau khi hiệu đính sẽ khác Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã cấp ở chỗ, Giấy chứng nhận mới sẽ ghi nhận các nội dung đã được điều chỉnh sao cho trùng khớp với thông tin trong hồ sơ đăng ký đầu tư mà Nhà đầu tư đã nộp.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.