Khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng địa điểm hoạt động kinh doanh, một trong những phương thức đơn giản – nhanh chóng mà doanh nghiệp thường lựa chọn là Đăng ký hoạt động địa điểm kinh doanh ngoài trụ sở chính hay còn gọi là Thành lập địa điểm kinh doanh. Vậy thủ tục này được thực hiện như thế nào? Mời Quý Khách hàng tham khảo trong bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng.
Căn cứ pháp lý
- Luật Doanh nghiệp năm 2020
- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Địa điểm kinh doanh là gì?
Địa điểm kinh doanh là nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh cụ thể. Doanh nghiệp có thể Thành lập địa điểm kinh doanh tại địa chỉ khác nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc đặt chi nhánh. Tên địa điểm kinh doanh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “địa điểm kinh doanh” và được viết hoặc gắn tại trụ sở của địa điểm kinh doanh.
Thành lập địa điểm kinh doanh có cần đăng ký không?
Chủ doanh nghiệp có lẽ đã quen với thuật ngữ Đăng ký thành lập doanh nghiệp, vậy còn Địa điểm kinh doanh là đơn vị phụ thuộc của Doanh nghiệp thì khi thành lập có cần làm thủ tục đăng ký không? Theo quy định mới nhất tại Luật Doanh nghiệp năm 2020, khi chủ doanh nghiệp muốn thành lập địa điểm kinh doanh thì phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc thực hiện đăng ký online qua cổng thông tin điện tử. Cụ thể:
“b) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày quyết định lập địa điểm kinh doanh, doanh nghiệp gửi thông báo lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh;” (Điểm b Khoản 2 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp).
Trình tự, thủ tục thực hiện
Bước 1: Doanh nghiệp gửi thông báo Thành lập địa điểm kinh doanh đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt địa điểm kinh doanh;
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cập nhật thông tin về địa điểm kinh doanh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký địa điểm kinh doanh cho doanh nghiệp.
Lưu ý: Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, doanh nghiệp tiến hành sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo hướng dẫn trong thông báo của Phòng đăng ký kinh doanh và tiến hành nộp lại.
Hồ sơ đăng ký
- Thông báo Thành lập địa điểm kinh doanh do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp hoặc do người đứng đầu chi nhánh ký trong trường hợp địa điểm kinh doanh trực thuộc chi nhánh;
- Bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý của người đứng đầu địa điểm kinh doanh;
- Giấy ủy quyền trong trường hợp người đứng đầu địa điểm kinh doanh ủy quyền cho người khác tiến hành nộp hồ sơ;
- Bản sao chứng thực giấy tờ pháp lý của người được ủy quyền nộp hồ sơ.
Dịch vụ mà Luật Hồng Bàng cung cấp
- Tư vấn, soạn thảo hồ sơ cần thiết cho Khách hàng;
- Đại diện theo ủy quyền để nộp hồ sơ, bổ sung và nhận kết quả cho Khách hàng;
- Thời gian thực hiện: 3-5 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ giấy tờ cần thiết từ phía Khách hàng (Không tính thứ Bảy, Chủ nhật và ngày nghỉ lễ).
Quý Khách hàng cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn về cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Đức Trọng qua SĐT: 0912.35.65.75 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!