I. Căn cứ pháp lý
– Luật Tài nguyên nước năm 2012.
– Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
– Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
– Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
– Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất; mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước.
II. Yêu cầu, điều kiện
(1) Điều kiện đối với đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước
– Cán bộ chuyên môn: có cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật);
– Kinh nghiệm công tác: người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo đã trực tiếp tham gia lập ít nhất 03 (ba) đề án, báo cáo;
– Cùng một thời điểm, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá 01 đề án, báo cáo.
(2) Hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước
– Tổ chức, cá nhân hành nghề khi thực hiện lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải có hồ sơ chứng minh năng lực.
– Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước:
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu các loại giấy tờ: Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước và các hoạt động khác về tài nguyên nước; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp và các giấy tờ, tài liệu, hợp đồng để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu đối với các hạng mục công việc có quy định điều kiện khi thực hiện (nếu có) đối với trường hợp hạng mục công việc của đề án, dự án, báo cáo có yêu cầu điều kiện khi thực hiện thì tổ chức phải đáp ứng các điều kiện đó hoặc có hợp đồng liên doanh, liên kết hoặc hợp đồng thuê với tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện để thực hiện.
+ Danh sách đội ngũ cán bộ chuyên môn, người được giao phụ trách kỹ thuật; bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo, giấy phép hành nghề (nếu có), hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của từng cá nhân đáp ứng yêu cầu điều kiện nêu trên.
– Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước:
+ Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo;
+ Các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của cá nhân đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm công tác mục (2) nêu trên;
– Tổ chức, cá nhân hành nghề phải nộp hồ sơ năng lực cho cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc tổ chức cá nhân thuê lập đề án, báo cáo để làm căn cứ lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện về năng lực thực hiện đề án, dự án, báo cáo.
III. Thành phần hồ sơ
– Đơn đề nghị cấp giấy phép hành nghề khoan dưới đất.
– Đề án thăm dò nước dưới đất đối với công trình có quy mô từ 200 m3/ngày đêm trở lên;
– Thiết kế giếng thăm dò đối với công trình có quy mô nhỏ hơn 200 m3/ngày đêm.
Số lượng: 02 bộ.
IV. Trình tự thực hiện
– Bước 1: Nộp hồ sơ:
Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cấp phép, phí thẩm định hồ sơ tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường đặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, thành phố.
– Bước 2. Kiểm tra hồ sơ:
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.
+ Trường hợp hồ sơ sau khi đã bổ sung mà vẫn không đáp ứng yêu cầu theo quy định thì Sở Tài nguyên và Môi trường trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
– Bước 3: Thẩm định đề án và quyết định cấp phép:
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thẩm định đề án; nếu cần thiết thì kiểm tra thực tế hiện trường, lập hội đồng thẩm định đề án.
+ Trường hợp đủ điều kiện cấp phép, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trường hợp không đủ điều kiện để cấp phép thì trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép và thông báo lý do không cấp phép.
+ Trường hợp phải bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện đề án, Sở Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung cần bổ sung, hoàn thiện.
Thời gian bổ sung, hoàn thiện hoặc lập lại đề án không tính vào thời gian thẩm định đề án. Thời gian thẩm định sau khi đề án được bổ sung hoàn chỉnh là hai mươi (20) ngày làm việc.
+ Trường hợp phải lập lại đề án, Sở Tài nguyên và môi trường gửi văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nêu rõ những nội dung đề án chưa đạt yêu cầu, phải làm lại và trả lại hồ sơ đề nghị cấp phép.
– Bước 4. Trả kết quả:
Tổ chức, cá nhân nhận kết quả tại Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với: Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nhật Nam qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienheluathongbang@gmail.com.
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng!
Công ty Luật Hồng Bàng./.