Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

Quy định về nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau, có thể nhìn thấy được, thể hiện dưới dạng từ ngữ, hình ảnh hoặc từ ngữ kết hợp với hình ảnh được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu hàng hóa được xem là tài sản trí tuệ quý giá có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp trên thị trường, hiểu rõ điều này, trong những năm gần đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp đã bỏ rất nhiều công sức để xây dựng, phát triển những nhãn hiệu, thương hiệu riêng cho mình và đưa nhãn hiệu, thương hiệu của mình trở thành những nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng. Căn cứ pháp lý: Khoản 20 Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.”

Như vậy, với khái niệm như nêu ở trên, có thể hiểu pháp luật Việt Nam đã đưa ra phạm vi nổi tiếng của nhãn hiệu phải trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tuy vậy, có một câu hỏi đặt ra là: trường hợp nếu một nhãn hiệu nổi tiếng trên phạm vi nhiều quốc gia hay trên toàn thế giới mà nếu không được hay chưa được người tiêu dùng Việt Nam biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì nhãn hiệu đó có được coi là nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của pháp luật Việt Nam hay không? Chúng ta cùng đi xem xét các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng như sau:

Đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng

Các tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam

Trong các văn bản pháp luật quốc tế như công ước Paris, hiệp định TRIPS chỉ đặt ra vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng mà không quy định các tiêu chí cụ thể xác định một nhãn hiệu như thế nào sẽ được coi là nổi tiếng. Việt Nam là thành viên của hai văn bản trên nên việc xác định phải thiết lập một hình thức pháp lý rõ ràng cụ thể để đưa các quy định của công ước, hiệp định đi vào áp dụng trong thực tiễn là điều cần thiết.

Căn cứ pháp lý: Khoản 20 Điều 4, Điều 75 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009; Khoản 20 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.” Tại điều 75 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và Điều 42.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN đã đưa ra các tiêu chí đánh giá như sau:

  1. Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc thông qua quảng cáo;
  2. Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;
  3. Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;
  4. Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;
  5. Uy tín rộng rãi của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu;
  6. Số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu;
  7. Số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu là nổi tiếng;
  8. Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Như vậy, căn cứ theo phương pháp đánh giá dựa theo các tiêu chí như nêu ở trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đa số các tiêu chí đánh giá theo quy định trên đây là chưa đầy đủ, chỉ mang tính định tính chung chung mà không cụ thể, không có định lượng một cách rõ ràng. Trước hết, để một nhãn hiệu được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng thì số lượng người tiêu dùng cụ thể phải là bao nhiêu? Doanh số bán hàng phải là bao nhiêu? Uy tín phải như thế nào là rộng rãi? thời gian sử dụng bao nhiêu lâu là liên tục? hay số lượng các quốc gia công nhận là bao nhiêu quốc gia? vv… Và khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét một nhãn hiệu có phải là nổi tiếng không thì các tổ chức, cá nhân cần phải cung cấp các tài liệu chứng minh kèm theo các số liệu thống kê thế nào là đầy đủ? Bên cạnh đó, ta có thể nhận thấy có sự mâu thuẫn giữa các quy định về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng theo quy định của Luật SHTT, nếu trong định nghĩa tại Khoản 20, Điều 4 nêu khái niệm nhãn hiệu nổi tiếng là chỉ cần được người tiêu dùng biến đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì trong Khoản 6, Khoản 7, Điều 75 về các tiêu chí đánh giá lại có yêu cầu thêm về số lượng quốc gia bảo hộ nhãn hiệu, số lượng quốc gia công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, vậy ví dụ một nhãn hiệu đã đạt được đủ số lượng người trong toàn lãnh thổ quốc gia biết đến nhưng lại không đạt về tiêu chí số lượng quốc gia công nhận và bảo hộ thì sao? Và sẽ công nhận nhãn hiệu nổi tiếng như thế nào nếu trường hợp các tiêu chí này có sự mâu thuẫn với nhau? ví dụ tùy từng loại hình sản phẩm, có những sản phẩm mang lại doanh số bán hàng rất cao nhưng cũng có những sản phẩm giá trị nhỏ, tổng doanh số bán hàng không lớn thì sẽ như thế nào? Khắc phục những thiếu sót này, chế định “nhãn hiệu nổi tiếng” trong Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam là việc thực thi Điều 6 bis Công ước Pari 1883 mà Việt Nam là thành viên. Nội dung điều 6 quy định: “Các nước thành viên có trách nhiệm từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng nhãn hiệu mà nhãn hiệu đó có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được cơ quan thẩm quyền của nước đăng ký hoặc sử dụng coi là nhãn hiệu nổi tiếng tại nước đó”. Còn trong bản Khuyến nghị chung của WIPO có quy định như sau: “Quốc gia thành viên có thể quyết định một nhãn hiệu là nổi tiếng, cho dù nhãn hiệu không nổi tiếng hoặc, nếu quốc gia thành viên áp dụng khoản (c) trên, biết rõ rằng, nhãn hiệu không là nổi tiếng trong bất kì một lượng công chúng hợp lí nào trong quốc gia mình”. Từ đây cho thấy, để đánh giá sự nổi tiếng của nhãn hiệu, không nhất thiết phải đánh giá tất cả các tiêu chí trên mà tuỳ từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên qua các phân tích trên đây, ta thấy rõ là các quy định về tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng cần phải được xem xét và làm rõ hơn.

Căn cứ xác lập quyền nhãn hiệu nổi tiếng ở Viêt Nam

Vấn đề xác lập quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng được quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-VPQH năm 2019 hợp nhất Luật Sở hữu trí tuệ như sau: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký”. Tại khoản 2 Điều 6 của Nghị định 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT thì: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với NHNT được xác lập trên cở sở thực tiễn sử dụng rộng rãi nhãn hiệu đó theo quy định tại Điều 75 của Luật SHTT mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký”. Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN cũng quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở thực tiễn sử dụng rộng rãi khiến cho nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ”. Khi sử dụng quyền và giải quyết tranh chấp quyền đối với nhãn hiệu nổi tiếng, chủ sở hữu nhãn hiệu đó phải chứng minh quyền của mình bằng các chứng cứ phù hợp quy định tại Điều 75 của Luật Sở hữu trí tuệ”.

Căn cứ vào các quy định pháp luật nhưu nêu trên, có thể thấy, nhãn hiệu nổi tiếng không bắt buộc phải đăng ký. Theo đó, hai cơ quan tiến hành xem xét và công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng, đó là Toà án và Cục Sở hữu trí tuệ chỉ khi có yêu cầu của các tổ chức, cá nhân theo từng vụ việc cụ thể. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ không nhận đơn đăng ký cũng như đơn đề nghị công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Các êu cầu xem xét nhãn hiệu nổi tiếng có thể diễn ra trong các trường hợp sau:

  • Khi tổ chức, cá nhân tiến hành nộp đơn đăng ký, nhưng bị từ chối vì nhãn hiệu rơi vào các yếu tố loại trừ hoặc bị từ chối vì tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác, tổ chức, cá nhân sẽ xác lập quyền cho nhãn hiệu này thông qua việc chứng minh nhãn hiệu nổi tiếng.
  • Khi các tổ chức, cá nhân yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực một văn bằng bảo hộ hoặc phản đối việc cấp giấy chứng nhận đăng ký cho một nhãn hiệu dựa trên cơ sở nhãn hiệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiêng.
  • Khi có các tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.
  • Khi có các tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý về hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng.

Việc quy định về việc xác lập quyền như trên là phù hợp với thực tiễn quốc tế về nhãn hiệu nổi tiếng. Theo quy định của luật pháp Hoa Kỳ cũng như pháp luật của hầu hết các quốc gia thì nhãn hiệu nổi tiếng không cần phải xác lập quyền bằng thủ tục đăng ký mà sẽ xác lập trên cở sở thực tiễn sử dụng. Tiêu chí thực tiễn sử dụng là một tiêu chí quan trọng nhất để một nhãn hiệu được công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng. Chính nhờ quá trình sử dụng liên tục mà nhãn hiệu mới được người tiêu dùng biết đến. Đối với các nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam, trên thực tế, số lượng nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ở Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Thực tế này do nhiều nguyên nhân. Trong đó có các nguyên nhân về các quy định chưa rõ ràng như đã nêu ở trên. Nguyên nhân thứ hai là Cục Sở hữu Trí tuệ (“Cục SHTT”) hiện nay khá chặt chẽ trong thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Do chưa có tiêu chuẩn định lượng cụ thể để đánh giá tình trạng nhãn hiệu nổi tiếng, Cục SHTT dường như ngày càng chặt chẽ trong việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Trên thực tế, khi đánh giá một nhãn hiệu có được coi là nổi tiếng hay không, Cục SHTT thường đòi hỏi chứng cứ về việc sử dụng liên tục nhãn hiệu, đặc biệt là ở Việt Nam. Do đó, nếu không có chứng cứ về việc sử dụng ở Việt Nam, một nhãn hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới khó có thể được công nhận là nổi tiếng ở Việt Nam. Mặt khác, sự mơ hồ trong định nghĩa và các tiêu chí của nhãn hiệu nổi tiếng đôi khi dẫn đến quyết định mang tính cảm tính của cơ quan có thẩm quyền trong việc công nhận hoặc không công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Hiện nay, không có thủ tục chính thức cho việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng ở Việt Nam. Trên thực tế, Cục SHTT thường công nhận một nhãn hiệu là nổi tiếng trong một thủ tục đơn lẻ trong quá trình thẩm định, phản đối hoặc hủy bỏ liên quan đến một vụ việc cụ thể. Do đó, việc công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được ghi nhận trong vụ việc đơn lẻ đó mà không được quản lý một cách hệ thống dưới dạng một nguồn tham khảo công khai. Theo quy định của pháp luật, các nhãn hiệu nổi tiếng phải được ghi nhận vào Danh mục Nhãn hiệu Nổi tiếng được lưu giữ tại Cục SHTT (Điều 42.4, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN). Tuy nhiên, trên thực tế, việc lập, lưu giữ và công bố danh sách này vẫn chưa được thực hiện.

Phạm vi bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng

Pháp luật hiện hành về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam và thế giới dành cho những nhãn hiệu nổi tiếng mức độ bảo hộ rất cao, cụ thể là đối với nhãn hiệu nổi tiếng, phạm vi bảo hộ của một nhãn hiệu nổi tiếng rộng hơn nhãn hiệu thông thường và bao trùm lên cả các sản phẩm, dịch vụ không trùng hay tương tự. vì vậy, mọi hành vi sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ nào khác, kể cả hàng hoá, dịch vụ không cùng loại, không tương tự với, và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng nếu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng đều bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng, vậy tiêu chí bảo hộ cho các nhãn hiệu nổi tiếng này được quy định như thế nào?

Về thời hạn bảo hộ cho nhãn hiệu nổi tiếng

Pháp luật SHTT cũng dành cho những nhãn hiệu loại này một ưu đãi đặc biệt: quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được công nhận là nổi tiếng ghi trong quyết định công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Tuy vậy, ta cũng không loại trừ trường hợp một nhãn hiệu nổi tiếng không được bảo hộ nữa. Đó là khi nhãn hiệu không còn nổi tiêng nữa, hay nói cách khác là khi các tiêu chí làm nhãn hiệu đó trở thành nổi tiếng không còn trên thực tế hoặc nhãn hiệu đã trở thành tên gọi chung của một loại sản phẩm, dịch vụ nhất định (trường hợp này còn gọi là sự lu mờ nhãn hiệu).

Trên đây là những quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về nhãn hiệu nổi tiếng và các điều kiện bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Các quy định mới của Luật SHTT Việt Nam hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành đã phù hợp với quy phạm quốc tế, cụ thể là điều 6 của Công ước Paris và phù hợp với thực tiễn pháp luật quốc tế.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.