Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

Thủ tục xin chấp thuận góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam của thương nhân nước ngoài là vấn đề đang được quan tâm, khi có nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam. Chính vì điều đó, pháp luật Việt Nam có quy định rất cụ thể về lĩnh vực đầu tư. Vậy thủ tục này được quy định như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến vấn đề này.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Doanh nghiêp 2020
  • Luật Đầu tư 2020
  • Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021;
  • Công văn số 8909/BKHĐT-PC ngày 31/12/2020.

Điều kiện góp vốn

Để được tham gia góp vốn vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam, Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư 2020, cụ thể như sau:

  • Đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường, cụ thể: Nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư vào các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài do Chính phủ công bố.
  • Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật này
  • Đáp ứng các quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

Các trường hợp cần xin chấp thuận góp vốn

Nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục xin chấp thuận góp vốn nếu thuộc một trong các trường hợp bắt buộc quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020, cụ thể:

  • Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
  • Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
  • Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Nếu nhà đầu tư nước ngoài không thuộc những trường hợp bắt buộc nêu trên, đồng thời đã thỏa mãn đầy đủ các điều kiện tại Điều 24 và Điều 25 Luật Đầu tư 2020 như đã đề cập, nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện góp vốn ngay mà không cần thực hiện thủ tục xin chấp thuận góp vốn.

Xem thêm: Dịch vụ thành lập công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 

Thủ tục xin chấp thuận góp vốn

Thành phần hồ sơ

Về thành phần hồ sơ, công văn số 8909/BKHĐT-PC ngày 31/12/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định chi tiết. Theo đó, hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp phải có những thành phần sau:

  • Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về đăng ký doanh nghiệp của tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; ngành, nghề kinh doanh; danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có); tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trước và sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế; giá trị giao dịch của hợp đồng góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; thông tin về dự án đầu tư của tổ chức kinh tế (nếu có);
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp;
  • Văn bản thỏa thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nhận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp;
  • Văn bản kê khai (kèm theo bản sao) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế nhận vốn góp, cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (đối với trường hợp quy định tại điểm b và c khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư năm 2020). Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của việc kê khai.

Thẩm quyền giải quyết

Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế nhận vốn góp đặt trụ sở chính.

Trình tự thực hiện

  • Bước 1: Tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi tổ chức kinh tế đặt trụ sở chính.
  • Bước 2: Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thông báo cho nhà đầu tư. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

* Trường hợp tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới và xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện thêm thủ tục sau:

  • Bước 3: Sở Kế hoạch và Đầu tư lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an về việc đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm b khoản 4 Điều 65 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.
  • Bước 4: Bộ Quốc phòng và Bộ Công an có ý kiến về việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; quá thời hạn yêu cầu mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý việc đáp ứng điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
  • Bước 5: Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Đầu tư, khoản 4 Điều 65 của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và căn cứ ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để thông báo cho nhà đầu tư. Văn bản thông báo được gửi cho nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

Thời gian thực hiện

  • 15 ngày kể từ ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận được hồ sơ hợp lệ.

Dịch vụ Luật Hồng Bàng cung cấp

Luật Hồng Bàng sẽ đồng hành cùng khách hàng từ giai đoạn đầu tiên, với các dịch vụ hỗ trợ tư vấn như: 

  • Tư vấn cơ cấu tổ chức công ty 100% vốn nước ngoài và có yếu tố nước ngoài
  • Tư vấn quy định pháp lý liên quan đến ngành nghề kinh doanh của nhà đầu tư
  • Tư vấn quy định pháp lý về vốn và địa điểm trụ sở chính Công ty
  • Tư vấn quy định pháp lý về thuế;
  • Tư vấn quy định pháp lý về ưu đãi cho công ty có vốn nước ngoài

Tiếp đến, Luật Hồng Bàng tiến hành chuẩn bị hồ sơ và thực hiện mọi thủ tục pháp lý liên quan:  

  • Chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu theo quy định pháp luật. 
  • Soạn hồ sơ đăng ký và đại diện cho khách hàng nộp hồ sơ đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 
  • Đại diện nhà đầu tư làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình thành lập doanh nghiệp, bao gồm cả thủ tục xin chấp thuận góp vốn cho nhà đầu tư.
  • Tiến hành thủ tục khắc con dấu cho Doanh nghiệp, đăng ký Mã số Thuế và Mã số Hải quan cho Doanh nghiệp.
  • Tư vấn toàn diện các hoạt động phát sinh trong quá trình thực hiện kinh doanh tại Việt Nam cho nhà đầu tư.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: lienhe@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.