Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

CĂN CỨ PHÁP LÝ 

  • Luật Doanh nghiệp 2020

MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ CÔNG TY CON 

Khoản 1, Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020:

Một công ty được xem là công ty mẹ của một công ty khác (gọi là công ty con) khi:

  • Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó;
  • Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó;
  • Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Công ty con vẫn là một doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và thuộc một trong các loại hình doanh nghiệp: công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên và công ty cổ phần.

Công ty con vẫn là một doanh nghiệp độc lập, có bộ máy quản lý điều hành riêng, có ngành nghề đầu tư kinh doanh riêng, chịu trách nhiệm pháp lý độc lập, nhưng vì được công ty mẹ sở hữu trên 50% vốn điều lệ nên công ty mẹ được quyền tham gia quyết định một số vấn đề quan trọng trong việc tổ chức nhân sự và hoạt động của công ty con.

TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ NỘI BỘ 

Theo quy định tại Điều 195 và Điều 196, Luật doanh nghiệp 2020 thì mối quan hệ pháp lý trong nội bộ công ty mẹ và công ty con thể hiện như sau:

  • Công ty mẹ và công ty con là hai tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân chịu trách nhiệm độc lập về mặt pháp lý. Công ty mẹ có lợi ích kinh tế từ công ty con, chi phối đáng kể đến các hoạt động có liên quan đến công ty con.
  • Công ty con là công ty thuộc chủ sở hữu của một công ty khác, trong trường hợp: Công ty sở hữu (công ty mẹ) sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó; Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Như vậy, với 3 trường hợp ở trên, chúng ta có thể rút ra được đặc điểm trong mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con là sự “lệ thuộc” , “sự chi phối đáng kể” . Trong đó: Công ty mẹ mang tư cách là một thành viên (thành viên là tổ chức) tại công ty con, vẫn thực hiện các quyền và nghĩa vụ như một thành viên công ty; Công ty mẹ thực hiện quyền lực chi phối, điều hành công ty con thông qua việc biểu quyết (vì nắm giữ từ 51% số vốn trở lên nên nắm lợi thế về số phiếu biểu quyết khi công ty con có các vấn đề cần biểu quyết).

  • Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
  • Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này.
  • Tùy thuộc vào loại hình pháp lý của công ty con, công ty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với công ty con theo quy định tương ứng của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với chủ thể pháp lý độc lập.
  • Trường hợp công ty mẹ can thiệp ngoài thẩm quyền của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông và buộc công ty con phải thực hiện hoạt động kinh doanh trái với thông lệ kinh doanh bình thường hoặc thực hiện hoạt động không sinh lợi mà không đền bù hợp lý trong năm tài chính có liên quan, gây thiệt hại cho công ty con thì công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.

Trường hợp công ty mẹ không đền bù cho công ty con theo quy định tại khoản 3 Điều này thì chủ nợ hoặc thành viên, cổ đông có sở hữu ít nhất 01% vốn điều lệ của công ty con có quyền nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty con yêu cầu công ty mẹ đền bù thiệt hại cho công ty con.

TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ ĐỐI VỚI ĐỐI TÁC, KHÁCH HÀNG 

Mặc dù công ty mẹ và công ty con là hai tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm độc lập về mặt pháp lý. Tuy nhiên tại Điều 196, Luật doanh nghiệp cũng có quy định về mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con về trách nhiệm pháp lý với đối tác khách hàng như sau:

  • Người quản lý công ty mẹ chịu trách nhiệm về việc can thiệp buộc công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều này phải liên đới cùng công ty mẹ chịu trách nhiệm về thiệt hại đó.
  • Trường hợp hoạt động kinh doanh theo quy định tại khoản 3 Điều này do công ty con thực hiện đem lại lợi ích cho công ty con khác của cùng một công ty mẹ thì công ty con được hưởng lợi phải liên đới cùng công ty mẹ hoàn trả khoản lợi được hưởng cho công ty con bị thiệt hại.

Như vậy, trong các trường hợp được quy định ở trên thì công ty mẹ và công ty con có trách nhiệm liên đới với nhau trong mối quan hệ với khách hàng và đối tác.

TÀI CHÍNH TRONG QUAN HỆ CÔNG TY MẸ CON 

Tính minh bạch tài chính trong quan hệ công ty mẹ con được thể hiện thông qua báo cáo tài chính quy định tại Điều 197, Luật doanh nghiệp 2020

Vào thời điểm kết thúc năm tài chính, ngoài báo cáo và tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty mẹ còn phải lập các báo cáo sau đây:

  • Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ theo quy định của pháp luật về kế toán;
  • Báo cáo tổng hợp kết quả kinh doanh hằng năm của công ty mẹ và công ty con;
  • Báo cáo tổng hợp công tác quản lý, điều hành của công ty mẹ và công ty con.

Khi có yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của công ty mẹ, người đại diện theo pháp luật của công ty con phải cung cấp báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết theo quy định để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con.

Người chịu trách nhiệm lập báo cáo của công ty mẹ sử dụng báo cáo quy định tại khoản 2 Điều này để lập báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con nếu không có nghi ngờ về việc báo cáo do công ty con lập và đệ trình có thông tin sai lệch, không chính xác hoặc giả mạo.

Người chịu trách nhiệm lập báo cáo quy định tại khoản 1 Điều này chưa được lập và đệ trình các báo cáo đó nếu chưa nhận được đầy đủ báo cáo tài chính của công ty con. Trong trường hợp người quản lý công ty mẹ đã áp dụng các biện pháp cần thiết trong phạm vi thẩm quyền mà vẫn không nhận được báo cáo, tài liệu và thông tin cần thiết theo quy định từ công ty con thì người quản lý công ty mẹ vẫn lập và trình báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp của công ty mẹ và công ty con. Báo cáo có thể gồm hoặc không gồm thông tin từ công ty con đó, nhưng phải có giải trình cần thiết để tránh hiểu nhầm hoặc hiểu sai lệch.

Báo cáo, tài liệu quyết toán tài chính hằng năm, báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp của công ty mẹ, công ty con phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty mẹ. Bản sao của báo cáo, tài liệu quy định tại khoản này phải được lưu giữ tại chi nhánh của công ty mẹ tại Việt Nam.

Ngoài báo cáo, tài liệu theo quy định của pháp luật, công ty con còn phải lập báo cáo tổng hợp về mua, bán và giao dịch khác với công ty mẹ.

Như vậy, có thể thấy mặc dù công ty mẹ và công ty con có mối quan hệ đặc biệt tuy nhiên về cơ bản, công ty con vẫn là một doanh nghiệp độc lập, có bộ máy quản lý điều hành riêng, có ngành nghề đầu tư kinh doanh riêng, chịu trách nhiệm pháp lý độc lập nên giữa công ty mẹ và công ty con vẫn phải đảm bảo tính minh bạch về tài chính.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.