Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

Thỏa thuận về thiệt hại ước tính là một chế tài nhằm đòi bồi thường thiệt hại trong thương mại. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

QUY ĐỊNH VỀ CHẾ TÀI ĐÒI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG PHÁP LUẬT VIỆT NAM 

Pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận hai hình thức khắc phục thiệt hại bằng tiền do vi phạm hợp đồng đó là Phạt vi phạm và Bồi thường thiệt hại (Bộ luật dân sự 2015, Luật Thương mại 2005, Luật Xây dựng 2014). Trừ Luật Xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước (không được quá 12% giá trị hợp đồng bị vi phạm), Luật dân sự và Luật thương mại có những quy định cụ thể khác nhau đối với hai loại chế tài trên.

Phạt vi phạm 

Phạt vi phạm là việc bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm bất kể mức độ thiệt hại như thế nào. Bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu phạt vi phạm nếu trong hợp đồng có thỏa thuận điều khoản phạt. Trong Bộ luật dân sự, các bên được tự do thỏa thuận về mức độ phạt vi phạm mà không quy định mức trần. Còn theo Luật Thương mại, giới hạn mức phạt vi phạm không được quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Điều 418. Thỏa thuận phạt vi phạm – Bộ luật dân sự 2015

1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm

Điều 300. Phạt vi phạm – Luật Thương mại 2005

Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.

Điều 301.Mức phạt vi phạm –  Luật Thương mại 2005

Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.

Bồi thường thiệt hại 

BLDS 2015 có quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, trong trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 360. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ – Bộ luật Dân sự 2015

Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Điều 361. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ – Bộ luật Dân sự 2015

1. Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.

2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

3. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Theo Điều 303 và 304 Luật thương mại, bên vi phạm phải bổi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị phạm nếu bên bị vi phạm chứng minh được các căn cứ quy định tại Điều 303. Mức bồi thường này được tính trên những thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm do hành vi vi phạm của bên vi phạm gây ra.

Điều 302 Bồi thường thiệt hại – Luật Thương mại 2005

1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.

2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

THỎA THUẬN VỀ THIỆT HẠI ƯỚC TÍNH (LD)

Thỏa thuận về thiệt hại ước tính (liquidated damage) là một chế tài đòi bồi thường thiệt hại bằng tiền được ghi nhận trong cả hệ thống thông luật và dân luật. Đây là một điều khoản trong hợp đồng theo đó các bên thỏa thuận một số tiền bồi thường thỏa đáng đối với những thiệt hại mà một bên có thể nhận được nếu bên kia vi phạm hợp đồng.

Về bản chất, thiệt hại ước tính là một loại bồi thường thiệt hại (giống với quy định của Bộ luật dân sự và Luật Thương mại), đều là một loại chế tài được đặt ra nhằm bồi thường và khắc phục những tổn thất do bên vi phạm gây ra đối với bên bị vi phạm.

Tuy nhiên Thiệt hại ước tính là một trường hợp áp dụng đặc biệt của chế tài bồi thường thiệt hại. Theo pháp luật hợp đồng của hệ thống thông luật, thiệt hại ước tính được các bên thỏa thuận để bồi thường khi thiệt hãi thực tế khó xác định. Để áp dụng được thiệt hại ước tính thì điều khoản này phải được quy định từ trước trong hợp đồng và thiệt hại ước tính phải tương xứng với mức thiệt hại có thể xảy ra.

  • Bồi thường ấn định trước trong Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG 1980)

Cùng với điều khoản phạt hợp đồng, điều khoản LD đã gây ra những xung đột rất lớn về cách tiếp cận trong hệ thống pháp luật các quốc gia. Ủy ban soạn thảo CISG mặc dù đã rất cố gắng nhưng cũng đã không tìm được một cách tiếp cận chung để đưa bồi thường ấn định trước và phạt hợp đồng vào CISG và vì vậy, điều khoản LD và điều khoản phạt hợp đồng đã không được đưa vào Công ước một cách trực tiếp.

Tại Quy tắc 2 Ý kiến số 10 của Hội đồng Cố vấn CISG có đề cập đến việc một bên có thể thỏa thuận bồi thường một khoản tiền cho một bên khi thực hiện một hành vi vi phạm dựa theo Điều 6 CISG về nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng. Như vậy, CISG không loại trừ hiệu lực của bồi thường ấn định trước khi các bên sử dụng CISG là văn bản điều chỉnh cho các quyền và nghĩa vụ của mình trong hợp đồng.

Căn cứ bình luận tại Quy tắc 3.3, Hội đồng Cố vấn cho rằng Điều 4 CISG được vận dụng để giải thích rằng CISG không điều chỉnh hiệu lực hợp đồng hay hiệu lực các điều khoản của hợp đồng, theo đó hiệu lực của điều khoản phạt hợp đồng hay điều khoản LD sẽ được quyết định bởi luật quốc gia vì CISG không đề cập đến hiệu lực của những điều khoản đó.

Điều khoản phạt và điều khoản LD có thể có hiệu lực ở quốc gia này song lại không có hiệu lực ở quốc gia khác, vì vậy ngoại trừ trường hợp điều khoản phạt hay điều khoản LD bị coi là không có hiệu lực bởi luật quốc gia, thì nó vẫn sẽ được áp dụng trong khuôn khổ CISG. Tuy nhiên, Hội đồng Cố vấn CISG cũng lưu ý rằng khi áp dụng những tiêu chuẩn để đánh giá sự hợp lý, mức độ tương xứng của bồi thường ấn định trước hay việc xem xét một khoản tiền có phải bồi thường ấn định trước hay không không chỉ dựa vào pháp luật quốc gia đó mà còn cần phải dựa vào những gì được xem là hợp lý trong thương mại quốc tế để từ đó diễn giải và vận dụng bồi thường ấn định trước trong hợp đồng của các bên.

  • Bồi thường ấn định trước trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành

Xét về mặt thực tiễn, bồi thường ấn định trước chưa được thừa nhận chính thức bởi pháp luật Việt Nam. Trong BLDS 2015 và LTM 2005, hai chế tài khắc phục thiệt hại bằng tiền được thừa nhận chỉ bao gồm (i) Bồi thường thiệt hại; và (ii) Phạt vi phạm.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 302 Luật Thương mại 2005 thì việc bồi thường thiệt hại được thể hiện bởi giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm lẽ ra được hưởng. Mức bồi thường chỉ được xác định sau khi có vi phạm hợp đồng, cho nên việc bồi thường thiệt hại (nếu có) là không thể biết trước để thỏa thuận trong hợp đồng mà chỉ có thể xác định khi có việc vi phạm, có lỗi của bên vi phạm và thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm…

Do đó, áp dụng quy định của Luật Thương mại 2005 về bồi thường thiệt hại dựa trên giá trị tổn thất thực tế và trực tiếp. 

Có thể thấy đã có sự khác biệt trong việc đánh giá và nhìn nhận về điều khoản LD giữa các Tòa án với nhau trong bối cảnh điều khoản này còn đang bị mập mờ về tính pháp lý trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện tại. Đồng tình với quan điểm này, một trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, khi có tranh chấp xảy ra, và các bên trong hợp đồng có thỏa thuận về một khoản tiền ấn định trước, Hội đồng Trọng tài sẽ tôn trọng thỏa thuận của các bên, ngay cả trong trường hợp khoản tiền này thấp hơn mức thiệt hại thực tế đã xảy ra, trừ trường hợp có cơ sở cho rằng khoản tiền này là không hợp lý và vượt xa mức thiệt hại của bên bị vi phạm, Hội đồng Trọng tài sẽ xem xét để điều chỉnh giảm khoản tiền đã thỏa thuận này xuống một mức hợp lý hơn.

Từ các quan điểm và cơ sở phân tích nêu trên, có thể đưa ra nhận định rằng, bồi thường ấn định trước không hẳn là một điều khoản sẽ bị vô hiệu toàn bộ theo pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, để xem xét hợp pháp hóa điều khoản này trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành là một vấn đề pháp lý phức tạp cần được xem xét.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.