Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

Việc tăng giảm vốn điều lệ trong doanh nghiệp là một hoạt động mà doanh nghiệp thường xuyên phải tiến hành khi muốn thay đổi số vốn góp ban đầu do thay đổi tình hình hoạt động. Trường hợp công ty cổ phần có được đăng ký giảm vốn điều lệ không? Bài viết dưới đây của Luật Hồng Bàng sẽ giải đáp các thắc mắc trên của bạn.

Cơ sở pháp lý

  • Luật Doanh Nghiệp năm 2020;
  • Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015 về đăng ký doanh nghiệp;
  • Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
  • Thông tư 47/2019/TT-BTC mức thu, quản lý và sử dụng lệ phí đăng ký doanh nghiệp
  • Nghị định 50/2015/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Các trường hợp giảm vốn điều lệ công ty cổ phần

Căn cứ khoản 5 Điều 112, Điều 132, Điều 133 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

  • Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;
  • Công ty mua lại cổ phần đã bán cho Cổ đông và Cổ đông yêu cầu công ty mua lại cổ phần của mình nếu Công ty chủ trương tổ chức lại công ty hoặc thay đổi quyền, nghĩa vụ của cổ đông đã quy định tại Điều lệ Công ty và Cổ đông biểu quyết phản đối nghị quyết về việc này.
    • Yêu cầu phải bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên, địa chỉ của cổ đông, số lượng cổ phần từng loại, giá dự định bán, lý do yêu cầu công ty mua lại.
    • Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Đại hội đồng cổ đông thông qua nghị quyết về các vấn đề quy định tại khoản này, yêu cầu phải được gửi đến công ty.
    • Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, công ty phải mua lại cổ phần theo yêu cầu của cổ đông với giá thị trường hoặc giá được tính theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không thỏa thuận được về giá thì các bên có thể yêu cầu một tổ chức thẩm định giá định giá. Công ty giới thiệu ít nhất 03 tổ chức thẩm định giá để cổ đông lựa chọn và lựa chọn đó là quyết định cuối cùng.
  • Công ty mua lại cổ phần theo quyết định của Công ty, cụ thể Công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán, một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi cổ tức đã bán theo quy định sau đây:
    • Hội đồng quản trị có quyền quyết định mua lại không quá 10% tổng số cổ phần của từng loại đã bán trong thời hạn 12 tháng. Trường hợp khác, việc mua lại cổ phần do Đại hội đồng cổ đông quyết định;
    • Hội đồng quản trị quyết định giá mua lại cổ phần. Đối với cổ phần phổ thông, giá mua lại không được cao hơn giá thị trường tại thời điểm mua lại, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Đối với cổ phần loại khác, nếu Điều lệ công ty không quy định hoặc công ty và cổ đông có liên quan không có thỏa thuận khác thì giá mua lại không được thấp hơn giá thị trường;
  • Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật này. Theo khoản 1 Điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020:
    • Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn, các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua
    • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại khoản 1 Điều này, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.

Như vậy, chậm nhất trước 120 ngày và sau 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng giá trị mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ và thay đổi cổ đông sáng lập.

Lưu ý:

Điều kiện chung để thực hiện đăng ký giảm vốn điều lệ trong các trường hợp trên là doanh nghiệp không được thực hiện việc đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

  • Đã bị Phòng Đăng ký kinh doanh ra Thông báo về việc vi phạm của doanh nghiệp thuộc trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc đã bị ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Đang trong quá trình giải thể theo quyết định giải thể của doanh nghiệp;
  • Theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án hoặc cơ quan công an.

Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có giảm vốn điều lệ nhưng trong mọi trường hợp không được tự ý giảm vốn điều lệ xuống thấp hơn vốn pháp định. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ đến mức tài sản của doanh nghiệp thấp hơn vốn điều lệ thì phần thua lỗ có thể được chuyển cho năm tài chính tiếp theo hoặc giảm vốn điều lệ. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thì vốn pháp định đồng thời cũng là vốn điều lệ nên các doanh nghiệp cần lưu ý về việc giảm vốn điều lệ phù hợp với ngành nghề kinh doanh.

Hồ sơ giảm vốn điều lệ công ty cổ phần

Căn cứ khoản 14 Điều 1 Nghị định 108/2018/NĐ-CP, Điều 51 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hồ sơ giảm vốn điều lệ công ty cổ phần bao gồm:

  • Thông báo thay đổi vốn điều lệ;
  • Quyết định bằng văn bản của Đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ;
  • Bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông về việc giảm vốn điều lệ của công ty cổ phần (Quyết định, biên bản họp giảm vốn điều lệ phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty);
  • Danh sách cổ đông của công ty;
  • Bản sao hợp lệ giấy tờ chứng thực cá nhân của các cổ đông đối với trường hợp cổ đông là cá nhân; bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác đối với trường hợp cổ đông là tổ chức;
  • Trường hợp người đại diện theo pháp luật không trực tiếp thực hiện thì cần có:
    • Giấy ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ;
    • Bản sao chứng thực CMND/CCCD/hộ chiếu người được ủy quyền (Đối với công dân Việt Nam: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực; đối với người nước ngoài: Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu nước ngoài còn hiệu lực).
  • Trường hợp giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp phải cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác sau khi giảm vốn. Vì vậy hồ sơ đăng ký giảm vốn điều lệ công ty cổ phần phải kèm theo cam kết bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác nhau khi giảm vốn;
  • Văn bản của Sở kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 Luật đầu tư.

Lưu ý:

Nội dung Thông báo đăng ký giảm vốn điều lệ công ty cổ phần cần có những nội dung chính sau:

  • Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);
  • Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 11 Nghị định này .
  • Vốn điều lệ đã đăng ký và vốn điều lệ đã thay đổi; thời điểm và hình thức giảm vốn;
  • Họ, tên, quốc tịch, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác quy định tại Điều 10 Nghị định này, địa chỉ thường trú và chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty hoặc thành viên hợp danh được ủy quyền đối với công ty hợp danh.

Trường hợp nghị quyết, quyết định về việc thay đổi vốn điều lệ đã được thông qua hợp pháp theo quy định của Luật doanh nghiệp mà có thành viên, cổ đông bị chết, mất tích, vắng mặt tại nơi cư trú, tạm giam, kết án tù, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc từ chối ký tên vào danh sách thành viên, danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài thì không bắt buộc phải có chữ ký của thành viên, cổ đông đó trong các danh sách nêu trên.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về vấn đề này. Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Luật sư Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, 0912.35.53.53 hoặc gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./.