Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

Dịch vụ cung cấp gói nghỉ dưỡng định kỳ hằng năm, tên gọi khác là “timeshares” xuất hiện tại Việt Nam và nhiều nước khác trên thế giới trong những năm gần đây. Theo đó, người mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ sẽ phải trả một khoản tiền để có thể sở hữu kỳ nghỉ tại các bất động sản bất kỳ trong hệ thống của doanh nghiệp (DN), mà thường là một tập đoàn chuyên kinh doanh bất động sản, nghỉ dưỡng. Bên cạnh các lợi ích đang được kỳ vọng sẽ mang đến cho người tiêu dùng, những năm qua thị trường chứng kiến không ít phản ánh về việc khách hàng từng tham gia vào chia sẻ kỳ nghỉ không được hưởng đúng những quyền lợi của họ như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết/ quảng cáo.

Để hiểu hơn về loại hình này, sau đây là một số thông tin người tiêu dùng cần tham khảo, nghiên cứu trước khi quyết định tham gia:

  • Thứ nhất, hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ về bản chất không phải hợp đồng chuyển nhượng liên quan đến bất động sản mà là hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực du lịch, thực chất là hợp đồng đặt cọc. Sở hữu kỳ nghỉ không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản. 

Để cung cấp loại hình này, bên bán “sở hữu kỳ nghỉ” có thể sở hữu (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) hoặc không sở hữu dự án/ khách sạn… Ngay cả trong trường hợp bên bán có dự án/ khách sạn.., quyền sở hữu kỳ nghỉ của bên mua không đồng nghĩa với quyền sở hữu bất động sản và đây là hợp đồng dịch vụ chứ không phải là hợp đồng mua bán bất động sản. Bên bán chỉ là bên kinh doanh dịch vụ du lịch, cụ thể là dịch vụ lưu trú, và người mua sở hữu kỳ nghỉ là người đặt cọc tiền hoặc thanh toán tiền để đặt phòng trước. Đối với những đơn vị chào bán sản phẩm không sở hữu dự án/ khách sạn.., họ là nhà phân phối và bán sản phẩm lưu trú trên cơ sở hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của đối tác.

  • Thứ hai, đối với loại hình bên bán đầu tư xây dựng dự án nghỉ dưỡng để cung cấp dịch vụ, việc đi nghỉ trên thực tế chỉ diễn ra khi bên bán hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động chính thức. Tức là tại thời điểm ký kết hợp đồng, có thể các căn hộ/ khách sạn…để nghỉ còn chưa có. Đối với loại hình bên bán sản phẩm không có dự án/khách sạn…, việc cung cấp sản phẩm tới tay bên mua phụ thuộc vào hợp đồng sử dụng các khách sạn hay hệ thống khách sạn của bên thứ ba do bên bán ký kết/ hợp tác. Tức là, như một số nguồn tin đã cảnh báo, việc thực hiện hợp đồng trong tương lai có thể bị đứt gãy nếu bên phân phối sản phẩm gặp trục trặc từ phía đối tác hoặc thậm chí là rút lui, biến mất. Theo đó, người mua sản phẩm cần nhận thức rõ các rủi ro này để từ đó có thể dự liệu và phòng ngừa.  
  • Thứ ba, hầu như tất cả các hợp đồng mua – bán sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng dài hạn và khách hàng đều phải trả số tiền lớn từ trước. Trong khi đó, theo các thông tin phản ánh, bên cung cấp dịch vụ có xu hướng khai thác khuynh hướng tâm lý người tiêu dùng qua nhiều cách thức, ví dụ: mời tham gia các buổi giới thiệu sản phẩm, tại đó đưa ra các quảng cáo/ hứa hẹn hấp dẫn về dịch vụ kèm theo nhiều ưu đãi (được tặng voucher hoặc được giảm giá hợp đồng) nếu đồng ý đặt cọc/ ký hợp đồng ngay.
  • Thứ tư, việc nghiên cứu trước và kỹ lưỡng hợp đồng là một trong những vấn đề then chốt để khách hàng chủ động phòng tránh các trường hợp không mong muốn. Bên cạnh rủi ro đến từ những yếu tố bên ngoài (như việc bên bán không thực hiện đúng hợp đồng cam kết), nhiều phản ánh hiện nay thể hiện việc hợp đồng không như các thông tin quảng cáo, khiến người mua có cảm giác “mắc lừa”. Không chỉ dừng lại ở việc dịch vụ được cung cấp không đúng cái người mua “tưởng”, các giao dịch bằng hợp đồng soạn sẵn còn tồn tại rủi ro từ các điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên soạn thảo.  

khoản 1 Điều 17 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Khi giao kết hợp đồng theo mẫu, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng”. Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa vụ của doanh nghiệp, việc nghiên cứu hợp đồng còn là quyền của người tiêu dùng và trong một số trường hợp, việc hợp đồng không được nghiên cứu kỹ còn xuất phát từ việc người tiêu dùng đã từ bỏ quyền này của mình trước sự chào mời về các lợi ích hấp dẫn nếu ký kết hợp đồng ngay. 

Theo đó, để tránh tình huống không mong muốn xẩy ra, người tiêu dùng cần lưu ý một số điểm sau trước khi giao kết hợp đồng:

1. Trước khi quyết định tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm, cần tìm hiểu thông tin về loại hình sản phẩm/ dịch vụ được giới thiệu tại sự kiện cũng như bên cung cấp thông qua phương tiện truyền thông hoặc qua bạn bè, người thân đã tham gia sự kiện/ sử dụng sản phẩm; xác định trước những vấn đề cần quan tâm về lợi ích và rủi ro để chủ động yêu cầu được giải đáp thêm tại sự kiện, tránh việc rơi vào luồng thông tin một chiều do bên cung cấp dịch vụ đưa ra.

2. Cần tỉnh táo trước những lợi ích hấp dẫn được chào mời để đặt cọc hoặc ký bất kỳ tài liệu nào do doanh nghiệp đưa ra bởi khả năng được hoàn trả là rất thấp. Ưu đãi trước mắt có thể không lớn bằng các khoản thực sự sẽ mất nếu muốn dừng giao dịch sau đó. Theo đó, trước khi quyết định, cần yêu cầu cung cấp đầy đủ bộ hợp đồng và nghiên cứu kỹ, đặc biệt ở những vấn đề sau:

  •  Xác định rõ nhu cầu của bản thân, gia đình và dự liệu nó trong một thời gian dài. Cần lưu ý rằng, muốn thu lợi được nhiều nhất từ sở hữu kỳ nghỉ thì phải sử dụng nó.
  •  So sánh các thông tin được quảng cáo, chào bán hoặc “cam kết miệng” của doanh nghiệp với các điều khoản quy định chính thức tại dự thảo hợp đồng. Đặc biệt khi có sự không thống nhất giữa thông tin chào bán và hợp đồng hoặc có các quy định, điều khoản trong hợp đồng chưa rõ ràng thì người tiêu dùng cần đề nghị doanh nghiệp giải thích, làm rõ và sửa đổi, bổ sung. Ví dụ: mô tả dịch vụ được cung cấp, các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của khách hàng, của doanh nghiệp; điều khoản về giá trị hợp đồng và các loại chi phí; điều khoản về chấm dứt hợp đồng; điều khoản về xử lý vi phạm…;
  •  Xác định rõ toàn bộ các chi phí phải đóng trong thời hạn hợp đồng. Hầu hết các hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ hiện nay đều là hợp đồng có thời hạn dài và bên cạnh khoản phí cố định ngay từ đầu, người tiêu dùng sẽ còn phải đóng thêm nhiều khoản phí khác phát sinh trong quá trình thực hiện như phí quản lý, phí vận hành, phí duy tu – bảo dưỡng, phí thực hiện quyền trao đổi các địa điểm nghỉ dưỡng… Các khoản chi phí này có thể chỉ được quy định trong hợp đồng chứ không có trong thông tin quảng cáo, chào bán;
  •  Các điều kiện, hạn chế đối với bên mua trong việc hưởng, chuyển nhượng quyền nghỉ dưỡng, ví dụ như: thời điểm bắt đầu được thực hiện quyền nghỉ dưỡng, dịch vụ này có được chuyển nhượng cho người khác không, nếu có thì sau khi ký hợp đồng hay sử dụng dịch vụ bao nhiêu lâu, có đi kèm điều kiện gì không…;
  • Các điều khoản bất lợi trong hợp đồng, ví dụ như: hạn chế quyền khiếu nại, khởi kiện của người mua; không cho người tiêu dùng hủy ngang hợp đồng; chế tài xử lý vi phạm không công bằng giữa hai bên; các trường hợp bên cung cấp dịch vụ được miễn trừ trách nhiệm ví dụ như không được cơ quan nhà nước cấp phép xây dựng (đối với loại hình có dự án/khách sạn) hoặc bên thứ ba không tiếp tục hợp tác (đối với loại hình không có dự án/khách sạn)…

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.