Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

CĂN CỨ PHÁP LÝ 

  • Luật Thương mại 2005
  • Luật Xây dựng 2014
  • Bộ luật Dân sự 2015

QUY ĐỊNH VỀ PHẠT VI PHẠM HỢP ĐỒNG

THEO QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

Bộ luật dân sự có thể được áp dụng để điều chỉnh mọi loại hợp đồng giữa các cá nhân, pháp nhân, bao gồm cả hợp đồng thương mại, hợp đồng xây dựng và hợp đồng dân sự khác.

Bộ luật dân sự 2015 với tinh thần cốt lõi là tôn trọng quyền tự do thỏa thuận của các bên, miễn là không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, quy định về phạt vi phạm hợp đồng như sau” các bên được quyền thỏa thuận về mức phạt và không có giới hạn cho mức phạt vi phạt, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Việc Bộ luật dân sự không quy định mức phạt tối đa mà cho các bên tự do thỏa thuận dẫn đến một bất cập trong viêc áp dụng và xử lý trên thực tiễn, nhiều vụ việc mức phạt quá cao so với giá trị nghĩa vụ bị vi phạm thực tế.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể vận dụng được một số quy định trong Bộ luật Dân sự để điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng quá cao so với giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm. Cụ thể, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là Cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực”. Việc áp đặt một mức phạt quá lớn đến mức không tưởng so với nghĩa vụ bị vi phạm rõ ràng là không thiện chí trong giao dịch dân sự.

 Ngoài ra, một nguyên tắc cơ bản khác là mọi cam kết, thỏa thuận không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.  Khi một bên có vị thế cao hơn trong giao dịch dân sự mà áp đặt một mức phạt vi phạm quá lớn lên bên còn lại thì có thể được xem là một hành vi trái đạo đức xã hội.

Các bên vẫn có thể vận dụng các quy tắc cơ bản của pháp luật dân sự để điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng đã thỏa thuận trong trường hợp quá cao so với giá trị nghĩa vụ bị vi phạm hoặc giá trị hợp đồng.

THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT THƯƠNG MẠI 2005

Luật Thương mại 2005 (“Luật Thương mại”) có phạm vi điều chỉnh hẹp hơn và chỉ được áp dụng cho các quan hệ và hoạt động thương mại.

Luật Thương mại quy định mức phạt vi phạm tối đa áp dụng cho hợp đồng thương mại là không quá 8% trên giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.

Tuy nhiên, Luật Thương mại lại không có hướng dẫn về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.

Trên thực tế, có nhiều nghĩa vụ bị vi phạm rất khó hoặc không thể xác định được bằng tiền. Việc thiếu quy định như vậy dẫn tới việc các bên sẽ không thống nhất về giá trị bị phần nghĩa vụ bị vi phạm và gây khó khăn cho cơ quan tài phán khi thiếu cơ sở để xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm.

THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT XÂY DỰNG 2014 

Trong lĩnh vực xây dựng, mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng không vượt quá 12% giá trị phần hợp đồng bị vi phạm đối với công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước. Ngoài mức phạt theo thỏa thuận, bên vi phạm hợp đồng còn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, bên thứ ba (nếu có) theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật có liên quan khác.

Luật xây dựng không có quy định cụ thể về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm và không đưa ra bất kỳ hướng dẫn nào đối với mức phạt vi phạm hợp đồng áp dụng cho các công trình xây dựng thương mại không sử dụng vốn nhà nước. Lỗ hổng này tạo nên nhiều khó khăn trong thực tiễn, đặc biệt trường hợp cả hai bên trong Hợp đồng đều là pháp nhân thương mại, không biết phải áp dụng văn bản pháp luật nào giữa Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại để điều chỉnh mức phạt vi phạm hợp đồng nói trên.

XÁC ĐỊNH MỨC PHẠT VI PHẠM THEO GIÁ TRỊ PHẦN NGHĨA VỤ BỊ VI PHẠM 

Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra bất kỳ quy định hay hướng dẫn nào về cách xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm cũng như cách xử lý khoản phạt vi phạm bị vượt quá.

Có những nghĩa vụ có thể xác định được bằng tiền một cách dễ dàng: Ví dụ, trong hợp đồng mua bán, bên bán vi phạm nghĩa vụ giao hàng đúng thời điểm đã giao kết, hay nói cách khác là bên bán chậm giao hàng. Việc xác định giá trị nghĩa vụ bị vi phạm trong trường hợp này có thể được xác định theo giá trị phần hàng hóa bị giao chậm, từ đó xác định mức phạt vi phạm tối đa cho hành vi vi phạm của bên bán.

Tuy nhiên có những trường hợp việc xác định giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm là rất khóc khăn, Ví dụ, nghĩa vụ không giá trị được bằng tiền như các nghĩa vụ không phải nghĩa vụ cơ bản của hợp đồng nhưng có liên quan đến sức lao động của con người, ví dụ như nghĩa vụ tiếp thị, quảng cáo trong hợp đồng dịch vụ quản lý khách sạn. Theo đó, việc không thể xác định được giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm có thể dẫn đến việc thiếu có cơ sở để cơ quan tài phán chấp thuận mức phạt vi phạm của bên bị vi phạm đưa ra.

Do đó, các bên có thể thỏa thuận về giá trị của từng nghĩa vụ trong hợp đồng để đảm bảo chế tài phạt vi phạm hợp đồng được áp dụng một cách hiệu quả nhất mà không phải tốn thời gian và công sức chứng minh giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm với cơ quan tài phán.

Việc thiếu các quy định pháp luật về xử lý khoản phạt vượt quá giới hạn tối đa mà luật cho phép thì về nguyên tắc, việc thiếu hụt quy định pháp luật như vậy sẽ dẫn đến 02 cách hiểu và hướng xử lý như sau:

(1) vô hiệu hóa toàn bộ thỏa thuận phạt vi phạm do vi phạm về mức phạt tối đa; và

(2) tương tự hướng xử lý khi vượt quá mức lãi suất trần trong Bộ luật Dân sự là chỉ vô hiệu hóa phần vượt quá và quyết định cho bên có quyền hưởng khoản tiền phạt bằng đúng 8% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với Luật Thương mại và 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm đối với Luật Xây dựng.

Trên thực tiễn, các cơ quan tài phán có xu hướng áp dụng hướng xử lý thứ hai đối với khoản phạt vượt quá.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.