Đơn khiếu nại với đơn kiến nghị
Khiếu nại là quyền của cá nhân, tổ chức chịu sự tác động trực tiếp bởi quyết định hành chính, hành vi hành chính hoặc quyết định hành vi tố tụng. Người khiếu nại có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét lại hành vi, quyết định để khôi phục quyền lợi cho họ, nếu hành vi, quyết định bị khiếu nại là trái pháp luật. Quyền khiếu nại không chỉ quy định trong Hiến pháp mà còn tùy theo mỗi lĩnh vực hành chính hay tư pháp lại có những quy định rất cụ thể, chặt chẽ nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân.
Kiến nghị là quyền của cá nhân, tổ chức trình bày với cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, lãnh đạo quản lý cấp trên về việc áp dụng những biện pháp, chủ trương tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước. Quyền kiến nghị được Hiến pháp quy định nhằm khuyến khích nhân dân tham gia công tác quản lý Nhà nước.
Đơn kiến nghị, đó là những đơn mà người ký tên trong đơn không phải là người bị Quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, Quyết định hành chính, hành vi hành chính tác động hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của họ. Đối với loại đơn này pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc cơ quan có thẩm quyền giải quyết phải tiến hành các trình tự, thủ tục chặt chẽ như đối với đơn khiếu nại, tố cáo như: không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại như quy định tại Thông tư 02/2005/TTLT ngày 10/8/2005 của liên ngành tư pháp trung ương hoặc các thủ tục khác. Đối với loại đơn này, người có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu phát hiện quyết định tố tụng, hành vi tố tụng, Quyết định hành chính, hành vi hành chính sai phạm thì kịp thời khắc phục, sửa chữa và trả lời cho người có đơn biết.
Như vậy, quyền khiếu nại và quyền kiến nghị cuả công dân đều được ghi nhận là hai quyền khác nhau về bản chất, do đó trách nhiệm xem xét của các cơ quan Nhà nước đối với đơn khiếu nại khác với đơn kiến nghị. Theo quy định của pháp luật, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định giải quyết đối với đơn khiếu nại và ban hành kết luận đối với đơn tố cáo, riêng đối với đơn kiến nghị thì có thể xem xét kết hợp với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn đối với đơn đề nghị, đơn kiến nghị của công dân trước hết cần thống nhất xác định đó không phải là đơn khiếu nại, nên không giải quyết theo trình tự, thủ tục, thời hạn của đơn khiếu nại.
Tố cáo với tố giác, tin báo về tội phạm
Tố cáo là việc công dân báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của một người nào đó, hoặc của người tiến hành tố tụng trong các cơ quan tiến hành tố tụng, thì được xử lý, giải quyết theo các chương về khiếu nại, tố cáo qui định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu hành vi vi phạm đó đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì xử lý theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Chủ thể tố cáo là công dân, có tên, tuổi, địa chỉ, nội dung tố cáo phải chỉ rõ hành vi bị tố cáo. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình, trường hợp tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý về hành vi hành chính hoặc hình sự. Đối với trường hợp đơn tố cáo nặc danh, pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền không có trách nhiệm phải giải quyết.
Tố giác về tội phạm là những thông tin về hành vi có dấu hiệu tội phạm do cá nhân có danh tính, địa chỉ rõ ràng cung cấp cho cơ quan, cá nhân có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết.
Chủ thể của tố giác là công dân, cơ quan, tổ chức, các chủ thể này cho rằng có một sự kiện vi phạm pháp luật đã hoặc sẽ xảy ra ngoài xã hội, là một hình thức cung cấp nguồn tin, dấu hiệu hay sự việc vi phạm pháp luật bằng cách báo cho cơ quan Nhà nước xem xét, làm rõ, pháp luật không qui định về nghĩa vụ khi người tố giác không đúng. Người tố giác tội phạm cho rằng có sự kiện phạm tội xảy ra hoặc có khả năng xảy ra, để báo cho cơ quan Nhà nước kịp thời xử lý, thông báo đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải quyết theo Điều 103 Bộ luật TTHS, tố giác có thể qua điện thoại, qua đơn (có hoặc không cần ký tên).
Do có điểm giống nhau đều là việc chủ thể báo cho cơ quan Nhà nước về sự việc vi phạm pháp luật, xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân và bất cứ cơ quan Nhà nước đều phải có trách nhiệm tiếp nhận, nếu không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải làm thủ tục chuyển đơn đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư: Nguyễn Đức Trọng qua hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com
Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!
Trân trọng.