Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Luật sư phụ trách

Luật sư Nguyễn Đức Trọng
Luật sư tư vấn

Luận tội là một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của VSND khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm (Điều 266 BLTTHS năm 2015), do Kiểm sát viên (KSV) trực tiến hành.

Xét về mặt nội dung thì bản luận tội không những là căn cứ để bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác đưa ra ý kiến, quan điểm của mình về toàn bộ vụ án mà Viện kiểm sát đã truy tố trước Tòa án, là cơ sở để Tòa án xem xét, quyết định việc đưa ra phán quyết của mình đối với người phạm tội và toàn bộ vụ án theo đúng trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định.

Căn cứ pháp lý

Căn cứ pháp lý để Kiểm sát viên thực hiện việc luận tội được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, Điều 42 (nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên); Điều 266 (Nhiệm vụ quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử); Điều 320 (Trình tự phát biểu khi tranh luận) và Điều 321 (Luận tội của Kiểm sát viên) Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Yêu cầu đối với bản luận tội 

  • Luận tội phải bám sát nội dung vụ án, nội dung cáo trạng và diễn biến tại phiên toà. KSV phải nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án, tổng hợp, đánh giá đầy đủ các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án gồm phần tổ tụng và phần chứng cứ. 
  • Nội dung luận tội phải phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; tội danh, hình phạt, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; mức bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. 
  • Đối với vụ án phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, các vụ án xét xử lưu động… luận tội phải có sự phê duyệt của lãnh đạo Viện.

Nội dung bản luận tội 

Khi viết luận tội Kiểm sát viên phải bám sát biểu mẫu số 13/XS, ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18 tháng 12 năm 2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, bao gồm các nội dung:

  • Tóm tắt nội dung vụ án

Tóm tắt ngắn gọn, súc tích và logic.

  • Phân tích, đánh giá chứng cứ

Nội dung này cần phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo có tội như: Biên bản phạm tội quả tang, khám nghiệm hiện trường, biên bản khám xét, biên bản kiểm tra, thu giữ vật chứng, kết luận giám định, sổ sách, chứng từ, lời khai của bị cáo, người bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng…hay không? tất cả các nội dung này đều phải dẫn chứng bút lục để chứng minh. Kiểm sát viên phải cập nhật diễn biến tại phiên tòa để đưa ra những lập luận bác bỏ hoặc chấp nhận lời trình bày của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác, đồng thời viện dẫn chứng cứ chứng minh quan điểm của mình.

Đối với những vấn đề, tình tiết mới phát hiện, phát sinh tại phiên tòa có thể làm thay đổi cơ bản nội dung, tính chất của vụ án nếu chưa được thẩm tra đầy đủ, chưa có đủ căn cứ thì Kiểm sát viên không được kết luận mà phải đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra, xác minh thêm.

Khi phân tích đánh giá chứng cứ đối với vụ án có nhiều bị cáo, bị cáo phạm nhiều tội, Kiểm sát viên phân tích theo trình tự: Đánh giá chứng cứ từ tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đến tội phạm ít nghiêm trọng, từ bị cáo giữ vai trò chủ mưu đến bị cáo đồng phạm có vai trò thứ yếu. Đối với các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có vai trò giống nhau thì phân tích theo nhóm để đánh giá. Một lưu ý quan trọng ở nội dung này là tránh trường hợp sao chép nội dung cáo trạng thành nội dung luận tội.     

  • Phân tích, đánh giá tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Làm rõ được: Động cơ, mục đích, thủ đoạn phạm tội; mức độ hậu quả tác hại do tội phạm gây ra đối với con người, đối với tài sản và an ninh, chính trị, kinh tế, trật tự trị an và an toàn xã hội. Một lưu ý trong nội dung này đó là việc phân tích, đánh giá về bị cáo, về nội dung vụ án phải thật sự khách quan, trung thực và đặc biệt “tối kỵ” việc suy diễn ra vấn đề để nhận định một cách phiến diện.

  • Nhân thân và vai trò của từng bị cáo trong vụ án

Đánh giá, xác định vị trí, vai trò, trách nhiệm của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm. Việc đánh giá theo trình tự sau: Từ bị cáo có vai trò chủ mưu, xúi dục, cầm đầu đến bị cáo có vai trò thực hành, giúp sức như trong Cáo trạng. Nếu tại phiên tòa có sự thay đổi về diễn biến về vai trò của bị cáo thì phải đánh giá thay đổi theo thứ tự diễn biến tại phiên tòa. Một chú ý ở nội dung này: Phải phân tích, đánh giá nhân thân, xác định nguyên nhân, điều kiện, thời gian, hoàn cảnh phạm tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của từng bị cáo.

  • Phân tích, đánh giá những nội dung khác

Phân tích, đánh giá những nội dung khác có liên quan đến vụ án, tức là làm rõ nguyên nhân, điều kiện tạo thuận lợi để bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, những thiếu sót, sơ hở, vi phạm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực quản lý nhà nước, xã hội… là cơ sở để Viện kiểm sát kiến nghị hoặc đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị để có biện pháp khắc phục sửa chữa, phòng ngừa tội phạm.

  • Kết luận

Trên cơ sở đánh giá toàn bộ chứng cứ của vụ án, nội dung này Kiểm sát viên khẳng định nội dung truy tố của Cáo trạng đã công bố công khai tại phiên tòa này là đúng hoặc chưa đúng, nếu chưa đúng chưa đầy đủ thì phải nêu rõ là nội dung nào và cần phải thay đổi, bổ sung hoặc rút quyết định truy tố hay phải kết luận về tội danh nhẹ hơn tại phiên tòa.
Nội dung này cần chú ý khi kết luận về hình sự cần phải nêu được bị cáo đã phạm vào tội danh nào được quy định tại điểm, khoản, điều nào của Bộ luật Hình sự và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo phạm tội đó. Việc xác định vật chứng và đề nghị xử lý: Tịch thu tiêu hủy, tịch thu sung công, những đồ vật tài sản không phải là vật chứng thì đề nghị trả.

Đối với vật chứng là vũ khí, vật liệu nổ, chất phóng xạ…Kiểm sát viên phải viễn dẫn Nghị định số: 70/2013/NĐ-CP  ngày 02/7/2013 của Chính phủ để đề nghị Hội đồng xét xử giao cho cơ quan có trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng hoặc tiêu hủy. Những đồ vật liên quan đến cá nhân của bị cáo mà bị tạm giữ như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, bằng lái, giấy phép lái xe…cần chú ý căn cứ Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 để đề nghị tuyên trả cho bị cáo nhưng phải sau khi bị cáo chấp hành xong hình phạt tù. Về phần dân sự: Xác định chủ thể phải chịu trách nhiệm dân sự; cơ sở pháp lý và hình thức, mức độ chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

  • Đề nghị xử lý

Đây là nội dung quan trọng nhất của bản luận tội, là nội dung mà bị cáo, những người tham gia phiên tòa mong đợi nhất, do đó Kiểm sát viên phải nêu được những nội dung:

Về trách nhiệm hình sự:

  • Hình phạt chính: 

Đề nghị loại, mức hình phạt như thế nào đối với từng bị cáo, chú ý sắp xếp theo thứ tự như đã nêu ở phần đánh giá vai trò, vị trí của từng bị cáo. Bị cáo phạm nhiều tội phải đề nghị hình phạt cho từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự, bị cáo đang chấp hành một bản án khác thì phải đề nghị tổng hợp hình phạt theo Điều 56 Bộ luật Hình sự.

  • Hình phạt bổ sung:

Đề nghị loại, mức hình phạt bổ sung đối với từng bị cáo theo quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với hình phạt bổ sung cần chú ý: Bị cáo dưới 18 tuổi nếu không áp dụng hình phạt thì áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng (nếu có).
Về xử lý vật chứng: Căn cứ để xử lý vật chứng theo Điều 47 Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Về trách nhiệm dân sự:

Đề nghị áp dụng hình thức, mức độ chịu trách nhiệm dân sự đối với từng chủ thể theo quy định của pháp luật (nếu có).

Dịch vụ pháp lý Luật Hồng Bàng cung cấp – Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án hình sự 

  • Luật sư Luật Hồng Bàng tham gia tố tụng trong vụ án hình sự (giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử) theo yêu cầu của đương sự, người bị hại, bị can, bị cáo…với nội dung cụ thể như sau:
  • Cử luật sư tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án hình sự;
  • Cử luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của người bị tạm gữ, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp …;
  • Soạn thảo những văn bản, giấy tờ cho người bị tạm gữ, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác trong các vụ án hình sự

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư:  Nguyễn Đức Trọng qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.6575  hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email: info@hongbanglawfirm.com

Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng.