Tư vấn luật miễn phí: 1900.6575 lienheluathongbang@gmail.com

Hình ảnh có liên quan

Các loại thuế phải nộp khi chuyển nhượng, mua bán cổ phần? Các lưu ý về thuế phí khi chuyển nhượng, mua bán cổ phần của doanh nghiệp.

Người sở hữu cổ phần có quyền chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty. Cổ phần được coi là chuyển nhượng khi ghi đúng và đủ vào sổ đăng ký cổ đông và các thông tin về tên, địa chỉ người nhận chuyển nhượng, số lượng cổ phần từng loại, ngày đăng ký cổ phần. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu đánh trên các khoản thu nhập của cá nhân hoặc tổ chức như tiền lương, tiền công; chuyển nhượng vốn, bất động sản; đầu tư… mà cá nhân phải trích nộp vào ngân sách nhà nước. Chuyển nhượng vốn góp, cổ phần có phải kê khai thuế hay không? Có rắc rối hay liên quan gì đến thuế hay không? Bài viết sau đây của Công ty Luật Hồng Bàng sẽ phân tích, làm rõ và trả lời cho quý khách hàng tham khảo.

Thứ nhất, quy định của pháp luật về thu nhập chịu thuế khi chuyển nhượng, mua bán cổ phần

Theo quy định tại Điều 3 Thu nhập chịu thuế của Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012, Điều này được hướng dẫn bởi Điều 3 Nghị định 65/2013/NĐ-CP, nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định số 65/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 3 Nghị định 91/2014/NĐ-CP, nội dung hướng dẫn Điều này tại Nghị định số 65/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 2 Nghị định 12/2015/NĐ-CP, Điều này được hướng dẫn bởi Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, nội dung hướng dẫn Điều này tại Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC có quy định như sau:

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

– Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

– Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;

– Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

Khi áp dụng kỳ tính thuế tại Điều 7. Kỳ tính thuế của Luật thuế thu nhập cá nhân năm 2007 và Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi năm 2012. Điều này được hướng dẫn bởi Điều 6 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân áp dụng cho 2 trường hợp tính thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú:

  • Trường hợp đối với cá nhân cư trú

+ Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh thu nhập: áp dụng đối với thu nhập từ đầu tư vốn, thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản…

+ Kỳ tính thuế theo từng lần phát sinh hoặc theo năm áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

  • Trường hợp đối với cá nhân không cư trú

+ Kỳ tính thuế đối với cá nhân không cư trú được tính theo từng lần phát sinh thu nhập.

Như vậy, cổ phần được coi là vốn của cổ đông trong công ty cổ phần mà theo quy định trên thì cá nhân (cổ đông) khi chuyển nhượng, mua bán cổ phần sẽ bị ”đánh thuế” vì phát sinh thu nhập thuộc trường hợp chịu thuế.

Thứ hai, căn cứ tính thuế đối với cá nhân cư trú

  • Xác định thu nhập chịu thuế và thu nhập tính thuế 

Căn cứ theo Điều 2 của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 và Khoản 5 sửa đổi Điều 13 quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn như sau:

– Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

– Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn là thời điểm giao dịch chuyển nhượng vốn hoàn thành theo quy định của pháp luật.

– Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần. Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được áp dụng bằng công thức: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm cả chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu được xác định bằng giá bán chứng khoán trừ (-) giá mua, các chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng.

+ Giá bán chứng khoán được xác định như sau: Giá bán chứng khoán niêm yết là giá chuyển nhượng thực tế tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán; Giá bán chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết, đã thực hiện đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán là giá chuyển nhượng thực tế tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán; Và giá bán chứng khoán của các đơn vị không thuộc trường hợp nêu tại điểm a và b khoản này là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán được chuyển nhượng tại thời điểm bán;

– Giá mua được xác định như sau: Giá mua của chứng khoán niêm yết là giá thực mua tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán; Giá mua chứng khoán của Công ty đại chúng chưa niêm yết, đã thực hiện đăng ký giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán là giá thực tế mua tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán; Giá mua chứng khoán của các đơn vị không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a và b khoản này là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán được chuyển nhượng tại thời điểm mua.

– Chi phí liên quan đến việc chuyển nhượng chứng khoán là các khoản chi phí thực tế phát sinh có chứng từ, hóa đơn hợp pháp, bao gồm: Phí nhận chuyển nhượng và phí chuyển nhượng chứng khoán; Phí lưu ký chứng khoán; Chi phí ủy thác chứng khoán; Các khoản chi phí khác.

  • Biểu thuế (thuế suất) khi chuyển nhượng, mua bán cổ phần

Theo quy định tại Điều 2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13. Khoản 7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 như sau:

– Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp là 20% trên thu nhập tính thuế của mỗi lần chuyển nhượng.

– Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán là 20% trên thu nhập tính thuế cả năm chỉ áp dụng đối với trường hợp đối tượng nộp thuế đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ, xác định được thu nhập tính thuế quy định tại Luật này và đăng ký thực hiện ổn định với cơ quan Thuế từ tháng 12 của năm trước.

– Đối với các trường hợp khác ngoài trường hợp trên, áp dụng thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần. Nội dung này được hướng dẫn bởi Điểm b Khoản 1.2 Mục 1 Công văn 17526/BTC-TCT năm 2014. 1.2. Sửa đổi, bổ sung khác về thuế thu nhập cá nhân có hướng dẫn đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân thì từ 01/01/2015, áp dụng một mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần thay cho thực hiện 02 phương pháp tính thuế trước đây. Không quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Thứ ba, căn cứ tính thuế đối với cá nhân không cư trú

Vấn đề này được hướng dẫn bởi Điều 20 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng, mua bán vốn (cổ phần):

– Thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú được xác định bằng tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam nhân (×) với thuế suất 0,1%, không phân biệt việc chuyển nhượng được thực hiện tại Việt Nam hay tại nước ngoài.

– Tổng số tiền mà cá nhân không cư trú nhận được từ việc chuyển nhượng phần vốn tại các tổ chức, cá nhân Việt Nam là giá chuyển nhượng vốn không trừ bất kỳ khoản chi phí nào kể cả giá vốn.

– Giá chuyển nhượng đối với từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

+ Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú thực hiện như sau: Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn. Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

+ Trường hợp chuyển nhượng chứng khoán thì giá chuyển nhượng được xác định như đối với cá nhân cư trú được thực hiện như sau: Giá bán chứng khoán được xác định thành các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán, giá bán chứng khoán là giá thực hiện tại Sở Giao dịch chứng khoán. Giá thực hiện là giá chứng khoán được xác định từ kết quả khớp lệnh hoặc giá hình thành từ các giao dịch thỏa thuận tại Sở Giao dịch chứng khoán.

Trường hợp 2: Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán, giá bán là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán.

Trường hợp 3: Đối với chứng khoán không thuộc các trường hợp nêu trên, giá bán là giá thực tế chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc giá theo sổ sách kế toán của đơn vị có chứng khoán chuyển nhượng tại thời điểm gần nhất trước thời điểm chuyển nhượng.

Bên cạnh đó, trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá bán hoặc giá bán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá bán theo pháp luật về quản lý thuế.

– Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:

+ Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.

+ Đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân không cư trú được xác định như đối với cá nhân cư trú được thực hiện theo các trường hợp sau:

Trường hợp 1: Đối với chứng khoán của công ty đại chúng giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán là thời điểm người nộp thuế nhận thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.

Trường hợp 2: Đối với chứng khoán của công ty đại chúng không thực hiện giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán mà chỉ thực hiện chuyển quyền sở hữu qua hệ thống chuyển quyền của Trung tâm lưu ký chứng khoán là thời điểm chuyển quyền sở hữu chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.

Trường hợp 3: Đối với chứng khoán không thuộc trường hợp nêu trên là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng chứng khoán có hiệu lực.

Trường hợp 4: Đối với trường hợp góp vốn bằng chứng khoán mà chưa phải nộp thuế khi góp vốn thì thời điểm xác định thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán do góp vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Quý Khách hàng nếu cần tư vấn, giải đáp chi tiết hơn cũng như cách thức tiếp cận dịch vụ này, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phó giám đốc phụ trách kinh doanh: Luật sư Mr Nhật Nam qua  hotline: 0912.35.65.75, gọi điện đến Tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí 24/7: 1900.6575 hoặc gửi yêu cầu dịch vụ qua email:  lienheluathongbang@gmail.com.Chúc Quý Khách hàng cùng gia đình mạnh khỏe, an lạc và thành công!

Trân trọng!

Công ty Luật Hồng Bàng./